Bí quyết dồn điền đổi thửa của Vũ Bản

Thứ ba, ngày 06/08/2013 06:37 AM (GMT+7)
Năm 2011, xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) được UBND tỉnh chọn làm điểm về dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Là địa phương đi đầu, Vũ Bản đã có nhiều cách làm hay, bài học quý cho các địa phương học hỏi.
Bình luận 0
Hộ nào cũng vui

Chúng tôi về Vũ Bản, khi người dân vừa vãn cấy vụ hè thu. Trên những cánh đồng, chúng tôi bắt gặp những gương mặt hớn hở, bởi họ không phải vất vả chạy từ đồng này sang đồng nọ để cấy, để thăm đồng nữa khi nhiều thửa ruộng đã được dồn vào một mối để tiện chăm sóc, cơ giới hóa.
Hầu hết đường làng ngõ xóm ở Vũ Bản đã được đổ bê tông sạch đẹp.
Hầu hết đường làng ngõ xóm ở Vũ Bản đã được đổ bê tông sạch đẹp.

Ông Khổng Quang Chư – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho hay, xã có 20 thôn, với tổng diện tích đất nông nghiệp 766ha, trung bình 1,8 sào/khẩu. Đặc điểm địa hình đồng ruộng của xã chia thành vùng cao, bằng và trung, do đó khi DĐĐT gặp rất nhiều khó khăn. “Chia làm sao để người dân không bị thiệt, không ghen tỵ nhà mình bắt được ruộng xấu, ở xa… mới là quan trọng. Sau khi họp dân, chúng tôi tiến hành đào đắp làm đường giao thông, kênh mương nội đồng trước, đảm bảo ruộng nhà ai cũng đi lại thuận tiện, lấy nước dễ. Khi đó ruộng xa cũng như ruộng gần, nên hầu hết người dân đều vui vẻ nhận ruộng” – ông Chư chia sẻ.

Đến nay việc DĐĐT ở Vũ Bản đã hoàn thành 100%, với kết quả đào đắp gần 200 tuyến thủy lợi và giao thông nội đồng, tổng chiều dài dần 20km. Trước đây mỗi hộ có trung bình 6- 7 thửa ruộng, nay chỉ còn 1- 2 thửa. Ông Lê Văn Hòa đang đẩy xe mạ đầy ắp ra đồng vui vẻ cho hay: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, nhưng có tới 8 mảnh ở 3 xứ đồng khác nhau. Chỉ tính thời gian, công sức đeo bình phun thuốc sâu từ đồng này qua đồng khác đã hết buổi, mệt nhoài rồi, chứ chưa nói lội ruộng phun. Giờ được dồn lại thành 2 thửa gần nhau, làm cái gì cũng dễ, vụ vừa rồi năng suất đạt 3 tạ/sào”.

Dự kiến về đích năm 2014

Không chỉ làm tốt việc DĐĐT, xã Vũ Bản cũng đang là một trong những xã đi đầu huyện về làm đường giao thông nông thôn. Cùng với cơ chế của tỉnh là hỗ trợ 100% xi măng, người dân đã bỏ tiền mua cát, sỏi, đóng góp ngày công. Đến nay, Vũ Bản đã tiếp nhận 3.000 tấn xi măng, thực hiện bê tông hóa gần 16km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Cho đến nay, hầu hết các thôn đã có đường giao thông được bê tông hóa, chỉ còn một ít đường trong ngõ xóm là đường đất. Điển hình là ở các thôn Hưng Vượng, Hậu, Chính Bản, Đông Thành… hầu như 100% đường đã được bê tông rộng đẹp.
Đến nay xã Vũ Bản đã đầu tư hơn 236 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó ngân sách T.Ư 55,1 tỷ đồng, tỉnh 22,6 tỷ đồng, huyện 540 triệu đồng, xã 5,5 tỷ đồng, người dân đóng góp và vốn cộng đồng hơn 140 tỷ đồng…

Theo ông Chư, để xây dựng NTM cách tốt nhất là vận động người dân cùng tham gia và tham gia một cách tích cực. Ông Đặc Văn Hồng (thôn Miễu) chia sẻ: “Xã chúng tôi trước đây hễ mưa to là đường ngập, đường đất nên chỉ vài lần ô tô đi qua là bị cày nham nhở, và còn lưu thông khó khăn. Hai năm nay, nhờ Chương trình xây dựng NTM nên hầu hết đường làng ngõ xóm đã được đổ bê tông, ngày nắng cũng như ngày mưa đi lại đều thuận tiện. Cũng nhờ đó mà người dân nuôi được con lợn, gà, vịt không phải thồ ra chợ, mà thương lái vào tận chuồng để mua”.

Hiện Vũ Bản đạt 12/19 tiêu chí NTM và 5 tiêu chí gần đạt. Dự kiến đến cuối năm 2014 xã sẽ đạt 19/19 tiêu chí.

Việt Tùng - Thanh Xuân ( Việt Tùng - Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem