Bí quyết làm bún khô ngon nức tiếng của lão nông Bình Định

Diệp Thị Diệu (Hội ND huyện An Lão) Thứ bảy, ngày 20/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề làm bún khô, ông Nguyễn Văn Thương ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cũng đã tìm được bí quyết riêng cho mình khi chuyển đổi bún khô từ làm thủ công sang ứng dụng máy móc nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng, giảm tải giá thành.
Bình luận 0

Nhắc đến hộ làm kinh tế giỏi tại thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định không ai không biết hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thương (sinh năm 1957) - Chủ cơ sở sản xuất bún khô. Xác định làm nghề với cái tâm, đề cao chất lượng, sản phẩm bún khô của gia đình ông được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương ủng hộ. Từ làm bún khô, ông Thương có doanh thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất bún khô của ông Nguyễn Văn Thương và nghe ông tâm sự, mới thấu hiểu hết thăng trầm của nghề làm bún khô. Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, ông cũng đã tìm được bí quyết riêng cho mình khi chuyển đổi bún khô từ làm thủ công sang ứng dụng máy móc nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng, giảm tải giá thành.

Bí quyết làm bún khô ngon nức tiếng của lão nông Bình Định - Ảnh 1.

Tính đến nay, ông Nguyễn Văn Thương - Thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề làm bún khô. Nhờ có bí quyết riêng, bún khô của gia đình ông Thương được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng.

Vừa phơi mẻ bún mới ra lò, ông Thương vừa nói: "Tôi quyết tâm làm nghề này thứ nhất vì duy trì trách nhiệm với nghề mà thế hệ đi trước đã để lại; thứ hai là vì trách nhiệm với chính người tiêu dùng đã ủng hộ mình nhiều năm qua. Có tin tưởng, khách hàng mới ủng hộ như vậy, vì vậy sản phẩm của tôi luôn đảm bảo về chất lượng an toàn...".

Theo ông Thương, trước kia, nghề chế biến bún khô nhọc nhằn lắm. Mọi công đoạn từ xay bột, vắt bột, tráng bánh, cắt bánh… đều làm thủ công nên người làm bún lúc nào cũng tất bật, chân tay không ngơi nghỉ. Hiện nay, công việc làm bún khô đơn giản hơn nhờ có hệ thống máy móc nên chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao.

"Nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Muốn có sợi bún ngon thì điều quan trọng phải chọn được gạo ngon. Nước để ngâm gạo và xay bột phải sạch thì bún mới trắng. Bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian để tạo ra mẻ bún ưng ý...", ông Thương chia sẻ thêm.

Ngày nay, quy trình sản xuất bún đều khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, khuấy bột…đều do máy móc đảm nhiệm. Thế nhưng, tay nghề và kỹ thuật của người vào máy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún. Có nghĩa là, công đoạn đưa bột vào máy ép phải đủ độ để bún chín thì bún mới ngon, sợi trắng và dai. Bún sau khi rũ được phơi nắng sẽ khô nhanh, hàng sẽ bóng đẹp và thơm mùi nắng.

Trung bình mỗi tháng, gia đình ông sản xuất 3 - 4 tấn bún khô. Bún khô sản xuất đến đâu được lái buôn từ các địa phương trong và ngoài huyện thu mua hết đến đó, mang lại thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng mỗi tháng.

Vốn chịu thương chịu khó, mạnh dạn tìm tòi học hỏi đầu tư làm ăn, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm nên cơ cở sản xuất bún khô của gia đình ông Thương ngày một phát triển, có chỗ đứng trên thị trường và đã trở thành một địa chỉ tin cậy, uy tín, chất lượng luôn được người tiêu dùng trong và ngoài huyện tìm đến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem