Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh

Hữu Dụng Thứ hai, ngày 25/09/2023 11:54 AM (GMT+7)
Tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028), ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá yêu cầu các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục Đoàn kết - đổi mới - hợp tác - sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028), ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá cho biết, nhiệm kỳ 2018 - 2023 vừa qua, bám sát định hướng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự phối hợp của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá gợi mở 5 vấn đề cho Hội Nông dân Thanh Hoá trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá lần thứ XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028).

Các cấp Hội Nông dân Thanh Hoá đã phát huy vai trò nòng cốt của nông dân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả... Nhiều mô hình phát triển kinh tế được xây dựng và nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế và làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, ngày càng xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống, khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Bước vào nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh công tác Hội và phong trào nông dân đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi cơ cấu lao động đang chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; lao động nông thôn có xu hướng già hóa. Việc chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", từ phát triển nông nghiệp "đơn giá trị" sang "đa giá trị" theo chuỗi liên kết, từ theo đuổi số lượng, sang tăng giá trị, hiệu quả, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, chi phí xã hội, làm tốt công tác bảo vệ môi trường; mặc khác, vấn đề các quyền sử dụng đất, đất đai manh mún, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, làm theo phong trào, vấn đề liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ... vẫn là những khó khăn, trở ngại cản trở sự phát triển.

Phát biểu tại Đại hội ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đã gợi mở 5 vấn đề cho Hội Nông dân Thanh Hoá trong thời kỳ mới:

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá gợi mở 5 vấn đề cho Hội Nông dân Thanh Hoá trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng HND tỉnh Thanh Hóa bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - đổi mới - hợp tác - sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại”.

Một là, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần bám sát và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác hội trong tình hình mới. Bám sát Quy hoạch tỉnh và quy hoạch địa phương để tập trung xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn như phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các vùng phát triển rừng bền vững, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp; làm tốt vai trò cầu nối 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp); hướng dẫn nông dân, ngư dân thực hiện tốt việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển và bảo vệ ngư trường, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong nông thôn; thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu; tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, đẩy lùi tai, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Tích cực vận động nông dân gương mẫu, sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án vì lợi ích lâu dài của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các dự án đi vào hoạt động.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ, thực chất nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng các cấp Hội vững mạnh toàn diện để mỗi cấp Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của nông dân. Hoạt động Hội phải hướng mạnh hơn nữa về cơ sở, gắn bó sâu sát, nắm chắc tình hình và tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp hội viên chủ động hơn, tự tin hơn trong lao động, sản xuất và tổ chức cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện được mục tiêu xây dựng nông dân văn minh, nông dân thế hệ mới, các nhà nông chuyên nghiệp cần phải có sự tiếp cận sản xuất theo nhu cầu của xã hội và cần phải đẩy mạnh liên kết hợp tác để có thể đủ sức đương đầu với những thách thức của nền kinh tế thị trường. Điều này đặt ra câu hỏi, tổ chức Hội đứng ở đâu trong quá trình chuyển đổi căn bản về giá trị sản xuất, phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân? Theo đó, tổ chức Hội cần phải phát huy vai trò trung tâm, với những giải pháp mạnh mẽ nhằm tuyên truyền, vận động, khắc phục thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết hợp tác, để nâng tầm các giá trị mà người nông dân sở hữu, đặc biệt là giá trị nhân văn, giá trị sinh thái... từ đó làm nên thương hiệu cho những người nông dân thế hệ mới.

Ba là, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các cấp hội phải tích cực vào cuộc mạnh mẽ bằng những phần việc cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn; hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, trở thành nơi đáng sống. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới,... Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nhân rộng, lan tỏa các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất là các mô hình kinh tế hiệu quả cao để các mô hình, điển hình tiên tiến trở thành hạt nhân dẫn dắt, nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp...; tăng cường hỗ trợ nông dân cả về phương thức sản xuất và định hướng ngành nghề; đồng thời, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, cạnh tranh ở thị trường trong tỉnh, trong nước và thị trường quốc tế. Đẩy mạnh việc tổ chức các hội chợ, xây dựng các trung tâm OCOP... nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Năm là, tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động nắm bắt tình hình, nghiên cứu các vấn đề cụ thể đang gây khó khăn, bức xúc cho nông dân, đề ra các giải pháp hoặc kiến nghị các giải pháp, phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền để xử lý, giải quyết; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Phát huy tốt vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là giám sát triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng; giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem