“Hái” ra tiền từ cây dại
Tại vùng Tú An (thị xã An Khê), cà gai leo là loại cây vô cùng quen thuộc, cây gai góc, mọc hoang khắp vườn đồi. Có những nơi cây gai tụm lại thành lùm lớn, rất khó tận diệt, phát dọn đầu này thì đầu kia cây lại sinh sôi.
Tuy nhiên, gần 2 năm nay loại cây này không còn bị ghét bỏ nữa, mà được bà con người Ba Na ở làng Pơ Nang (xã Tú An) chăm sóc rất kỹ vì cây gai càng tốt, càng “hái” ra nhiều tiền.
Thực hiện chương trình OCOP, UBND thị xã An Khê đã đầu tư hơn 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và tập huấn, mở rộng sản xuất dược liệu cà gai leo. Dự án hứa hẹn tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm thường xuyên, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ảnh: L.K
Anh Lê Văn Bộ - Giám đốc HTX Tú An 1 cho biết: Trà dược liệu cà gai leo có mùi thơm đặc trưng, hơi đắng, uống xong có vị ngọt trong miệng. Loại trà này có công dụng đào thải độc tố trong gan, hạ men gan, gan nhiễm mỡ…
|
Nói về loài cây này, anh Lê Văn Bộ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 cho biết: “Cây cà gai leo không còn xa lạ với người dân nơi đây, ở sau nhà hay trên rẫy đều thấy cây này mọc. Nhưng nói, để bà con trồng, chăm sóc loại cây này thay vì chặt bỏ mới là chuyện lạ. Ban đầu, vận động bà con trồng khó lắm, đâu ai nghĩ cây gai mọc hoang này lại có thể trồng và bán có tiền được. Sau gần 2 năm thực nghiệm, những hộ tiên phòng trồng cây cà gai leo đã cho thu hoạch, giá trị cao gấp 3 lần trồng mía thì nhiều bà con mới tin là thật”.
Theo anh Bộ, HTX chuyên về nông nghiệp và cây trồng chủ lực của là các loại cây dược liệu, tập trung trồng các loại như cà gai leo, thảo huyết minh. Hiện đơn vị đã có 52 thành viên, trong đó riêng cây cà gai leo đã thành lập được tổ quản lý riêng, với 10 hộ đồng bào Ba Na ở làng Pơ Nang tham gia. Nếu so sánh giá cả hiện nay, trồng cà gai leo rất có lãi, trên cùng diện tích 1 ha: Cây mía đạt 60 tấn/năm, thu khoảng 40 triệu đồng; Cà gai leo thu 3 vụ/năm (năng suất 1tấn/vụ/ha, với giá 50.000/kg cho thu khoảng 150 triệu/năm).
Để thuận lợi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và nâng cao giá trị, HTX đã sơ chế, đóng gói bao bì mang nhãn hiệu “Trà dược liệu cà gai leo Pơ Nang”. Anh Bộ cho biết, mặc dù mới đưa ra thị trường chưa lâu, nhưng sản phẩm được rất nhiều người tin dùng và đánh giá cao, đã xuất đi bán tại nhiều đơn vị, nhà thuốc trong - ngoài tỉnh. Tại địa phương, sản phẩm cà gai leo cũng đã được HTX làm hồ sơ đăng ký chương trình OCOP.
Từ cây mọc dại, cà gai leo được bà con Ba Na ở xã Tú An đưa vào trồng trong nhà lồng theo quy trình kỹ thuật và cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Kiến
Trước đó, cuối năm 2018, UBND thị xã An Khê đã phê duyệt dự án trồng cà gai leo tại làng Pơ Nang (xã Tú An) với diện tích 2 ha. Dự án được giao cho HTX Nông nghiệp Tú An 1 thực hiện với tổng mức đầu tư 373 triệu đồng, riêng thị xã An Khê hỗ trợ hơn 130 triệu đồng để xây dựng nhà lồng, giống và tập huấn kỹ thuật.
Cây trồng phù hợp với người bản địa
Theo anh Lê Văn Bộ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1, cà gai leo vốn là cây dại, dễ dàng sinh trưởng phát triển. Với đặc tính dễ trồng, không cần nhiều công, kỹ thuật cao và phân bón chăm sóc… riêng thị trường đầu ra không hạn chế, giá ổn định. Chính vì thế, cà gai leo hứa hẹn mang đến thu nhập cao cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số vốn có thói quen sản xuất đơn giản. HTX cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật tới tận tay và đảm bảo thu mua tối thiểu 50.000 đồng/kg cho bà con.
Quả cà gai leo khi chín có màu đỏ đẹp mắt.
Chia sẻ về cây trồng này, chị Hồ Thị Viên (dân tộc Ba Na - Tổ trưởng tổ sản xuất cà gai leo, HTX Tú An 1, xã Tú An) nói: “Trước đây mọi người không biết cách dùng, không biết giá trị của cà gai leo nên chặt phá hết. Giờ mọi người biết giá trị của nó rồi nên rất muốn tham gia hợp tác xã, hoc tập cách làm mới, vừa có thu nhập ổn định. Cây này dễ trồng, đất đai ở đây cũng phù hợp, trồng 1 lần thu 4 năm nên rất thuận lợi cho bà con. Với mỗi tổ viên, tính ngày công sau khi sản phẩm bán ra thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng, vừa giúp nhiều hộ vươn lên khấm khá”.
Theo chị Viên, ban đầu vận động bà con trồng cà gai leo rất khó khăn, nói họ không tin. Nếu thật sự dễ làm, làm có lãi thì HTX cứ làm trước, đến khi nào có kết quả tốt thì bà con sẽ học theo. Hiện tại, thói quen canh tác của bà con nơi đây vẫn làm theo cách truyền thống, thu nhập chủ yếu từ cây mía, cây mì nên thu nhập nhiều lúc bấp bênh do thiên tai, giá sụt. Việc tham gia HTX, bà con được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ tưới, phun thuốc và bón phân… sẽ tạo sự thay đổi lớn về tư duy mới trong nông nghiệp.
Hiện HTX Tú An 1 đang cung ứng giống cà gai leo, hướng dẫn kỹ thuật tới tận tay và đảm bảo thu mua tối thiểu 50.000 đồng/kg cho bà con.
Về hướng đi lâu dài, anh Lê Văn Bộ cho biết: “Do HTX đang trong quá trình đầu tư nên các khâu từ sơ chế, đóng gói sản phẩm chủ yếu làm thủ công. Năm tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là tinh chế dạng trà túi lọc để tiện lợi cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị. Mô hình thuận lợi sẽ góp phần thay đổi nhận thức người dân và tăng thêm thu nhập, tạo việc làm”.
Sát cánh cùng HTX trong mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương, UBND thị xã An Khê đã phê duyệt dự án tư vấn phát triển mô hình trồng, thu hái, chế biến cà gai leo thành sản phẩm trà túi lọc. Đồng thời hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu trà dược liệu An Khê, xúc tiến quảng bá sản phẩm, thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.