Biến rác thành phân bón

Thứ tư, ngày 20/07/2011 19:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chứng kiến cảnh rác thải tràn ngập ao, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng, ông Nguyễn Phi Sinh quyết "cắm nhà" để gom rác làm phân bón cứu môi trường ở làng miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội).
Bình luận 0

“Cắm nhà”... mua rác

Trước đó, nhiều người ở Dương Liễu bảo ông Sinh là "hâm", bởi cái việc làm chẳng giống ai là "cắm nhà" mua phế thải. Nhưng nay chính họ lại gọi ông là "nhà khoa học”, “kỹ sư”... bởi "gã hâm" này đã biến hàng vạn tấn phế thải bã dong ô nhiễm thành phân hữu cơ vi sinh.

Ông Sinh kể: "Bã dong sau khi lọc, các nhà đều tuồn hết xuống mương, ao, hồ, lâu ngày đầy lên, tắc nghẽn gây ô nhiễm. Nhất là khi trời nắng, mùi phế thải ngột ngạt khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để cải thiện môi trường và chợt nảy ra ý tưởng gom bã dong làm phân bón".

img
Ông Nguyễn Phi Sinh kiểm tra chất lượng phân hữu cơ vi sinh.

Từ ý tưởng này, ông đề xuất với Viện Nghiên cứu Trường Đại học Nông nghiệp 1 và được các kỹ sư nhiệt tình giúp đỡ. Nhưng tiền thì lấy đâu ra? Ông bàn với vợ quyết “cắm nhà”, để thực hiện ý tưởng. "Nghe tôi bảo "cắm nhà" để mua phế thải làm phân hữu cơ vi sinh, vợ tôi giãy nảy như đỉa phải vôi. Nhưng thấy tôi quyết tâm, bà ấy lại ủng hộ.

Thế chấp ngôi nhà được 65 triệu đồng, tôi dành 45 triệu đồng mua máy móc thiết bị, còn 20 triệu đồng để trả lương cho công nhân vớt rác thải dưới các kênh mương, ao, hồ lên và mua bã dong ở các cơ sở sản xuất miến về làm thử".

Giàu có nhờ rác

Bã dong được gom thành đống, rồi ủ khoảng 1 tháng, sau đó trộn với hóa chất theo công thức của ông làm phân rất tốt. Nhưng có lẽ họ không tin một nông dân lại làm được phân bón từ phế thải, nên rất ít người mua. "Mỗi ngày cơ sở nhà tôi sản xuất ra gần 2 tấn phân, bán không được, chất đống từ nhà trong ra ngõ. Tôi đành "đánh bài ngửa" cho bà con dùng thử, nếu hiệu quả thì trả tiền, còn nếu lúa, ngô… chết, tôi đền. Do phân tồn đọng, thời gian thử nghiệm dài, đến kỳ trả gốc ngân hàng nhưng mình không có tiền trả, nên nhà tôi bị niêm phong, cả nhà phải dọn ra xưởng phân ở" - ông Sinh nhớ lại.

img Xã Dương Liễu có gần 40 công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản và 220 hộ sản xuất miến dong nhỏ lẻ, ước tính mỗi ngày thải ra khoảng 500 tấn rác thải. Cơ sở sản xuất phân bón của ông Sinh đã góp phần làm sạch môi trường. img

Ông Nguyễn Danh Bảo - Chủ tịch UBND xã Dương Liễu

"Có công mài sắt có ngày nên kim", bù lại, sau khi các hộ dân dùng thử, cây màu cho năng suất rất cao và giá mua lại thấp hơn 20 - 25% so với phân bón trên thị trường, họ đã tin tưởng chọn dùng. Ông Sinh cho hay: Cứ 40% chất thải trộn với 60% phụ gia giữ cho phân luôn khô và khử độ chua của đất. Sau đó nghiền nhỏ, trộn với các chất vi sinh khác theo tỷ lệ phù hợp, khâu cuối cùng là dùng máy vo thành viên và đóng bao.

Hiện nay, Công ty TNHH Tân Trường Sinh do ông thành lập đang thu mua rác, bã dong với giá 1.500 đồng/kg, nhưng mới chỉ giải quyết được khoảng 50% số rác thải của xã và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động và 30 lao động thời vụ với mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, công ty sản xuất ra khoảng 60.000 tấn phân bón, cung cấp chủ yếu cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Sau gần 10 năm gắn bó với rác, ông Sinh đã tậu được ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, "con xế" 6 chỗ hạng sang…, và theo ông, điều vui nhất là đã góp phần làm sạch môi trường. Năm 2007, công ty của ông đã đoạt Cúp vàng Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ TNMT.

Ông Sinh cho biết: Thời gian tới, công ty sẽ chắt lọc các loại phân, chất thải lỏng để tiếp tục sản xuất phân bón.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem