Do nhu cầu cây giống tăng cao cho vụ trồng mới nên các điểm bán cây sắn giống đang xuất hiện khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Phần lớn trong đó là các điểm bán giống tự phát.
Một điểm bán sắn giống trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Nguyên Vỹ
Tại xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), anh Trần Tấn Sang cho biết đang bán cùng lúc cả 2 loại giống trong và ngoài tỉnh. Do sắn trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá nên giá chỉ dao động 13.000 đồng/bó. Trong khi giống sắn đưa từ một số tỉnh miền Trung vào, ít có dịch bệnh được bán với giá 30.000 đồng/bó.
Với giống sắn từ ngoài tỉnh đưa vào, anh Sang cũng không dám chắc là có sạch bệnh hay không, chỉ biết là ít nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, phần lớn người trồng quanh vùng vẫn thường chọn mua giống sắn được thu hoạch ngay trong tỉnh.
Dù biết giống tại Tây Ninh nhiễm bệnh khảm lá nhưng giá bán thấp hơn. “Nếu chăm sóc tốt, sắn vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Ít ra người trồng vẫn còn lời chút đỉnh với giá bán nguyên liệu như hiện nay”, anh Sang nói.
Không chỉ thiếu nguồn giống kháng bệnh, củ sắn tươi nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất cũng đang thiếu hụt. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết hiện tại, đã vào chính vụ sản xuất 2019 - 2020. Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, riêng khu vực Tây Ninh thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy phải ngưng chạy máy.
Nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu tươi cho chế biến. Nguyên Vỹ
Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định dù nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc vẫn chưa tăng mạnh, nhưng do nguồn cung tinh bột sắn hiện tại không nhiều nên dự kiến giá sẽ không giảm sâu.
Ghi nhận giá mua nguyên liệu tại khu vực huyện biên giới Tân Biên, Tân Châu, giá vẫn ổn định quanh mức 2.620 - 2.750 đồng/kg tùy nhà máy và chất lượng củ đưa về. Một số nhà máy ở các huyện khác cũng đã tăng giá mua, giữ quanh mức 2.700 đồng/kg để hút sắn về.
Ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh thừa nhận, do dịch bệnh khảm lá sắn gây hại trên toàn tỉnh đã làm giảm năng suất, ảnh hưởng không chỉ đến thu nhập của người trồng sắn mà còn gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho nhà máy.
Hiện Tây Ninh có 67 nhà máy đang hoạt động, ước khối lượng củ sắn đưa vào chế biến trên 4 triệu tấn củ tươi. Tuy nhiên hiện nay năng suất giảm từ 30 - 40%, đang ảnh hưởng đến ngành chế biến sắn của tỉnh.
Việc hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân 2019 – 2020 là hết sức cần bách. Nguyên Vỹ
Để có cây giống sắn sạch bệnh phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, Trung tâm Khuyến nông đang đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020.
Mô hình này dự kiến thực hiện trên diện tích 600 ha ở 2 huyện Dương Minh Châu (400 ha) và Tân Châu (200 ha). Kinh phí thực hiện khoảng hơn 1,85 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua hom giống sạch bệnh, người dân tham gia đối ứng 50% giống và vật tư khác.
Theo ông Tùng, kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2018 -2019 cho thấy, nếu sử dụng cây giống không bị nhiễm bệnh và kiểm soát được bệnh ở giai đoạn 5 tháng đầu, năng suất chỉ giảm 5 - 10%.
“Việc xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân năm 2019 – 2020 là hết sức cần bách hiện nay”, ông Tùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.