Đồng loạt vào cuộc
Theo Sở NNPTNT Bình Định, đến nay DTLCP đã diễn ra tại 34 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,4 triệu con. Đặc biệt, ngày 19/5 đã phát hiện thêm ổ dịch bệnh tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) khiến nguy cơ dịch xâm nhập tỉnh Bình Định đang ở mức báo động cao.
Trạm kiểm dịch động vật tại Bình Định được siết chặt, hoạt động 24/24 giờ. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho rằng, trong gần 3 tháng qua, công tác phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt, nhất là việc kiểm soát vận chuyển gia súc trên những tuyến quốc lộ và những huyện trọng điểm nuôi lợn bằng những chốt chặn hoạt động 24/24 giờ. Việc tiêm phòng, tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực công cộng cũng được triển khai đồng loạt.
Ngành chức năng phát hiện 2 trường hợp nhập 75 con lợn thịt vào Bình Định mà không khai báo với cơ quan thú y địa phương, không có địa chỉ lò mổ cụ thể, không có giấy chứng nhận tiêm phòng, không có phiếu kết quả xét nghiệm và không giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Vì vậy, Bình Định đã chuyển trả toàn bộ số lợn nói trên về nơi xuất phát (trong đó có 55 con về tỉnh Quảng Trị và 20 con về tỉnh Quảng Ngãi).
Tỉnh này còn phát hiện 9 trường hợp trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối. “Suốt gần 3 tháng nay, lãnh đạo Sở NNPTNT mỗi tuần có 3 đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Trong tình hình dịch đã cận kề, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để đôn đốc các địa phương thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng chống” - ông Hổ khẳng định.
Bỏ ngay việc “án binh bất động”
Theo đánh giá của ông Hổ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện của tỉnh Bình Định hầu hết vẫn còn “án binh bất động”, khi tỉnh xuống địa phương kiểm tra mới cử người tháp tùng đoàn, chứ chưa chủ động trong công tác này.
“Đề nghị UBND tỉnh phân công cụ thể nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo cấp huyện, nhất là công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch, đặc biệt là việc tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, tổng hợp báo cáo hàng tuần cho Sở NNPTNT để Sở trình lên tỉnh. Các địa phương phải mua dự trữ vôi bột, bởi hiện nay vôi bột rất hiếm.
Đặc biệt, phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt” - ông Hổ yêu cầu.
Ông Nguyễn Hữu Khúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay, huyện này đang liên kết tiêu thụ lợn thịt với một số tỉnh nên lợn thịt các nơi tập trung về đây và sau đó đưa đi tiêu thụ khá nhiều. Khi những xe tải chuyên dụng chở lợn bị kiểm soát chặt chẽ, các thương lái đã dùng “chiêu” chở lợn bằng xe taxi, hoặc cho vào thùng xe chở gỗ để vận chuyển vào địa bàn huyện. Hoặc vận chuyển lợn đến cầu Dợi thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn rồi vác băng qua sông Lại để đưa về huyện Hoài Ân.
“Do đó, ngoài 4 chốt chặn đã lập từ trước, hiện chúng tôi phải lập thêm 1 chốt chặn ngã sông Lại Giang để tránh nguy cơ dịch bùng phát” - ông Khúc cho hay.
Phê bình sở thờ ơ
Theo ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tình hình lây lan của DTLCP rất phức tạp: “Thực tế dịch đã xảy ra ở các địa phương gần Bình Định nên tôi đề nghị các cấp, các sở ban ngành của tỉnh không thờ ơ, nó đã vào thì ngành chăn nuôi không còn gì nữa. Chừng nào sức chúng ta chống chọi không nổi nữa thì lúc đó mới hay, còn bây giờ đủ điều kiện phòng chống dịch thì chúng ta phải làm”.
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NNPTNT phải ra quân kiểm ra các chốt chính, thiếu thiết bị thì tăng cường mua, tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ cho các trang trại của người dân, đề xuất hướng hỗ trợ cho các danh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn cho các chốt chăn nuôi về hình thức phun thuốc.
Cũng theo ông Châu, việc phòng chống bệnh DTLCP là trách nhiệm của tất cả các sở ngành, đơn vị liên quan chứ không phải của riêng một ai. “Sở Công Thương đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối, tiêu thụ mà bữa giờ tôi thấy im ru, bình chân như vại, ngồi rung đùi chơi là sao? Ngay cả Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chưa hướng dẫn cho người dân trong việc tiêu hủy như thế nào để đảm bảo môi trường. Chính vì thế, tôi khẳng định là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm. Tôi đề nghị Sở Công Thương điều tiết thị trường không để lái buôn khống chế giá cả, khiến người nông dân bị thiệt” - ông Châu nói thêm.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi thị sát hiện trường
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác tổ chức ngăn chặn xâm nhập bệnh DTLCP và phòng chống dịch bệnh động vật tại các huyện phía bắc tỉnh. Ông Tùng chỉ đạo thành lập 4 trạm kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến đường giao thông quan trọng ra vào địa bàn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.