Bộ GTVT trả lời thế nào về đề xuất mua lại trạm thu phí BOT Quảng Trị?

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 03/01/2022 11:01 AM (GMT+7)
Cần khoảng 1.700 tỷ đồng mới có thể mua lại trạm thu phí BOT Quảng Trị, đó là con số rất lớn trong khi ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Ngày 3/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nhận được kết luận trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về đề xuất xử lý trạm thu phí BOT Quảng Trị, đặt tại Km763+800/QL.1 qua địa bàn xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Bộ GTVT trả lời đề xuất mua lại trạm thu phí BOT Quảng Trị - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Quảng Trị hoàn vốn cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo đó, hiện nay chủ trương bố trí ngân sách nhà nước thanh toán cho các dự án xây dựng quốc lộ 1A, xoá bỏ trạm thu phí BOT chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Hơn nữa, tại các buổi làm việc với Bộ GTVT, liên quan đến phương án xử lý bất cập tại các trạm thu phí này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu: "Bộ GTVT tiếp tục rà soát tính toán trên nguyên tắc hạn chế tối đa sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong trường hợp bất khả kháng mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định".

Vì vậy, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND các địa phương và các nhà đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Như vậy, đề xuất mua lại trạm BOT Quảng Trị của chính quyền tỉnh Quảng Trị vẫn đang bỏ ngõ.

Bộ GTVT trả lời đề xuất mua lại trạm thu phí BOT Quảng Trị - Ảnh 2.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị cho rằng, trạm thu phí BOT Quảng Trị là lực cản phát triển kinh tế-xã hội vì đặt ở vị trí trung tâm tỉnh lỵ. Trong ảnh là ô tô chạy vào đường làng né trạm thu phí BOT Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Được biết, Trạm BOT Quảng Trị được xây dựng để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng chiều dài 28,78km (từ Km741+170 ở Dốc Miếu, xã Gio Phong, Gio Linh đến Km 769+947 tại phía bắc cầu Thạch Hãn).

Tổng mức đầu tư dự án gần 2.100 tỷ đồng. Đoạn mở rộng này gồm 2 dự án thành phần, đi vào hoạt động lần lượt tháng 7/2014 và tháng 12/2016. Thời gian thu phí còn lại là 15 năm 9 tháng.

Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, việc di dời trạm thu phí BOT đến vị trí khác là không phù hợp vì theo quy định, trạm thu phí phải đặt trong phạm vi của dự án.

Thời điểm hiện tại, muốn mua lại trạm BOT Quảng Trị cần khoảng 1.700 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương khó khăn nên khó thực hiện.

Trạm thu phí này nằm giữa thành phố Đông Hà và 3 huyện thị phía nam gồm Triệu Phong, Quảng Trị và Hải Lăng, với dân số 230.000. UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng trạm thu phí đặt ngay giữa đô thị lớn trở thành lực cản phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem