Bộ NNPTNT chuẩn bị đào tạo 1.500 học viên nghề "Giám đốc HTX"

Trần Quang Thứ ba, ngày 10/05/2022 16:26 PM (GMT+7)
Hiện cả nước đã có khoảng 18.500 HTX nông nghiệp, tuy nhiên theo các chuyên gia, dù tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý...
Bình luận 0
80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề vào năm 2030 - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia trao đổi trực tiếp và trực tuyến tại hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Quang

52% cán bộ HTX chưa qua đào tạo

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX đã có chuyển biến tích cực. 

Hoạt động khu vực KTTT, HTX phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò của KTTT, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Hiện cả nước đã có khoảng 18.500 HTX nông nghiệp, tuy nhiên theo ông Thịnh, dù tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý. 

Trong khi đây là yếu tố quyết định hoạt động của phát triển của các HTX nhất là trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.

"Các HTX nông nghiệp được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là các giám đốc HTX ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động, kiến thức thị trường và chưa được đào tạo bài bản.

Tính đến nay, chỉ có khoảng 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo" - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khẳng định.

Định hướng tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp nước ta những năm tới đi theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng và sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về chất lượng nông sản. 

Ông Thịnh cho rằng: Ngành nông nghiệp phải đầu tư mạnh cho khoa học, công nghệ; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu cạnh tranh. 

Do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp tập cần trung thực hiện thời gian tới nhất là đào tạo nghề cho “Giám đốc HTX nông nghiệp” với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề vào năm 2030 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chăm sóc đàn lợn tại đơn vị. Ảnh: Trần Quang

Nhiệm vụ cấp thiết

Theo PGS.TS Võ Trọng Khải, chuyên gia về HTX, qua thực tế phát triển của HTX cho thấy cán bộ, giám đốc HTX nào đã qua đào tạo, có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sẽ giúp HTX của mình phát triển tốt và ngược lại, có nhiều HTX hoạt động không hiệu quả do đội ngũ đơn vị đó yếu kém, chưa qua đào tạo.

 Chuyên gia về HTX Võ Trọng Khải nhấn mạnh, việc đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ cán bộ HTX chuyên nghiệp là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách. 

"HTX là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thị trường, nếu không có nó thì người yếu thế không có chỗ dựa, cạnh tranh thành công trên thị trường. HTX còn đảm bảo cho các cơ sở kinh doanh nhỏ có thể có khả năng giao dịch với các đối tác về cả đầu vào, đầu ra. Mốn làm được việc đó thì cần phải có đội ngũ, các giám đốc HTX chuyên nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn chứ không thể làm tự phát được", ông Khải nói.

Hiến kế cho các chương trình đào tạo giám đốc HTX, PGS.TS Võ Trọng Khải cho rằng: Bản chất của HTX khác với doanh nghiệp, cho nên khi đào tạo đội ngũ HTX chúng ta phải tập trung vào việc Quản lý kinh tế HTX. Việc quản lý phải như một doanh nghiệp nhưng không giống với các doanh nghiệp khác vì lợi nhuận tự thân mà HTX phải vì lợi ích của các xã viên, thỏa mãn nhu cầu kinh tế của các thành viên HTX cả đầu vào và đầu ra.

"Việc đào tạo giám đốc HTX rất khác và khó khăn hơn nhiều so với đào tạo giám độc các doanh nghiệp nên các nhà quản lý, trường đào tạo phải có chuẩn bị kỹ và chuyên nghiệp về phương pháp, giáo trình giảng dạy lý thuyết, thực hành phù hợp, sát với nhu cầu của thực tiễn", chuyên gia Võ Trọng Khải góp ý.

Đồng quan điểm với chuyên gia Võ Trọng Khải, PGS.TS Trần Hữu Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Chương trình đào tạo nghề cho giám đốc HTX nông nghiệp là rất quan trọng, cần thiết phù hợp với mong muốn và nhu cầu thự tiễn của các HTX.

"Hoạt động của HTX giờ khác trước rất nhiều, các HTX cần phải cập nhật, hoạt động trên nền tảng số, thương mại điện tử, xã hội, môi trường... Nên các đơn vị liên quan cần phải chuẩn bị, lên chương trình, phương pháp giảng dạy lý thuyết, thực hành bài bản. Đặc biệt, trong quá trình học, các giảng viên cần đào tạo các học viên thực hành, "cầm tay chỉ việc" mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mà các HTX đang cần" - PGS.TS Trần Hữu Cường lưu ý. 

Là một trong các trường được chọn thí điểm chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp, TS. Hà Quang Trung - Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho hay: Chúng tôi đã xây dựng bộ giáo trình theo tinh thần là cầm tay chỉ việc lý thuyết ít thôi nhưng thực hành phải nhiều. Và tôi nghĩ rằng bộ tài liệu này sau khi được đưa vào thực tiễn thì nó sẽ góp phần cho công tác đào tạo các giám đốc HTX  được tốt hơn và thực tiễn hơn. 

"Hy vọng với chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX , chúng ta sẽ có nhiều giám đốc giỏi để điều hành các HTX nông nghiệp bứt phá vươn lên, không chỉ thích ứng linh hoạt với thực tiễn, tận dụng cơ hội mà còn đón đầu thách thức, giúp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", TS Hà Quang Trung nói.

1.500 học viên được đào tạo nghề "Giám đốc HTX"

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chia sẻ thêm: Chương trình đào tạo nghề "Giám đốc HTX nông nghiệp" trên toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) “bắt tay” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Bộ giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề" Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp" được thiết kế gồm 3 mô đun : Mô đun 1 là những nội dung cơ bản về HTX, Mô đun 2 : về quản trị HTX nông nghiệp, Mô đun 3 là phát triển 1 số kỹ năng quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian đào tạo 3 tháng trong đó có 63 giờ lý thuyết và 240 giờ thực hành.

Bộ giáo trình đào tạo nghề "Giám đốc HTX" tích hợp những kiến thức, kỹ năng cần có của nghề, có thể coi là cẩm nang cho người đã, đang và sẽ tham gia vào quản lý HTX nông nghiệp.

Theo ông Thịnh, dự kiến thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ tiến hành đào tạo khoảng 500 HTX với khoảng 1.500 học viên theo chương trình này , tập trung vào các HTX trong vùng nguyên liệu thuộc Đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn mà Bộ đang chỉ đạo, 250 HTX nông nghiệp điển hình và các HTX thực hiện đề án phát triển ngành Muối Việt Nam.

Đơn vị tổ chức đào tạo: 2 Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1, 2; Học viện Nông nghiệp; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng.

Song song với đó, Bộ NNPTNT cũng sẽ thành lập mạng lưới các trường, hệ thống khuyến nông tham gia đào tạo. Mạng lưới các giáo viên tham gia đào tạo nghề "Giám đốc HTX". Tổ chức tập huấn TOT. Phân công nhiệm vụ giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo theo vùng, theo tỉnh.

Trước mắt năm 2022 tập trung đào tạo cho 500 hợp tác xã điển hình, các HTX trong vùng nguyên liệu của Đề án vùng nguyên liệu mà Bộ đang triển khai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem