Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch phát triển 1 triệu hecta rừng sản xuất gỗ lớn

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 26/02/2024 13:12 PM (GMT+7)
Trong kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030” được ban hành theo Quyết định số 31/QĐ-BNN-LN ngày 3/1/2024 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha.
Bình luận 0

Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp

Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030 đặt mục tiêu phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.

Đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000-550.000ha.

Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch phát triển 1 triệu hecta rừng sản xuất gỗ lớn- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng cây tại tỉnh Tuyên Quang Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Chí Tuệ

Nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20m3/ha/năm vào năm 2025 và 22m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5-2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT xác định một số nhiệm vụ như: Rà soát quỹ đất và rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ hiện có đủ điều kiện để trồng mới, trồng lại rừng sản xuất gỗ lớn. 

Rà soát diện tích rừng trồng sản xuất hiện có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị, để đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra, cần chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng lại (sau khai thác) để duy trì 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn hiện có; xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng và trồng rừng thâm canh gỗ lớn. 

Tổ chức thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hằng năm trong giai đoạn 2024 - 2030, xác định rõ địa điểm trồng và loài cây trồng. Cần chọn các loài cây trồng lâm nghiệp sinh trưởng nhanh; cây bản địa phù hợp với từng điều kiện sinh thái.

Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom.

Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch phát triển 1 triệu hecta rừng sản xuất gỗ lớn- Ảnh 2.

Luân canh loài cây trồng, kết hợp phát triển cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng để nâng cao thu nhập, cải tạo môi trường đất và giảm nguy cơ sâu bệnh hại đối với cây trồng.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững, chuỗi giá trị lâm sản, các sản phẩm gỗ đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; thương mại lâm sản đáp ứng các cam kết quốc tế. 

Tăng cường hoạt động của hệ thống khuyến lâm; đổi mới cơ chế, hình thức và phương pháp khuyến lâm; hướng dẫn cho người dân thực hiện đúng kỹ thuật trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ lớn...

Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch phát triển 1 triệu hecta rừng sản xuất gỗ lớn- Ảnh 3.

Người dân lấy giống cây ươm của HTX DV Nông nghiệp Động Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên). Ảnh: Cổng TTĐT Phú Lương

Xây dựng các mô hình trình diễn về trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn; tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng rừng sản xuất gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. 

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, nhằm giảm chi phí đầu tư và khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn.

Bộ NNPTNT cũng đề xuất giải pháp về cơ chế hỗ trợ ban đầu (kinh phí) cho các chủ rừng kinh doanh gỗ lớn để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế nhằm tăng giá trị sản phẩm và hội nhập thị trường quốc tế. 

Đề xuất chính sách miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng, bảo hiểm rừng trồng đối với những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện. Tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.

Trong hệ thống giải pháp sản xuất rừng gỗ lớn, Bộ NNPTNT đặc biệt ưu tiên việc tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng với mục tiêu thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 0,5 triệu ha; sản lượng khai thác diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt trên 3 triệu m3 /năm. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi, đồng bộ, từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Xây dựng dự án nghiên cứu chọn, tạo giống cây lâm nghiệp

Để thực hiện kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030", Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) được giao hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng hiện có để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với cơ sở chế biến trong phạm vi cả nước. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự án hỗ trợ nghiên cứu chọn, tạo giống; nguồn giống; hướng dẫn kỹ thuật để phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn; xây dựng mô hình chuyển hóa, trồng rừng gỗ lớn; mô hình liên kết; ứng dụng công nghệ cao về giống, thâm canh rừng trồng; công tác truyền thông; kiểm tra giám sát.

Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và địa phương xây dựng một số mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn ở các vùng sinh thái trọng điểm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi kết quả thực hiện kế hoạch, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem