Nóng: Bộ NNPTNT yêu cầu tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới

Trần Quang Thứ ba, ngày 26/07/2022 10:05 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới.
Bình luận 0
Nóng: Bộ NNPTNT yêu cầu tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới - Ảnh 1.

Bộ NNPTNT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới. Ảnh: Thanh Mai

Ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y, hiện nay do sự chênh lệch về giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng, dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam qua biên giới phía Bắc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng,… giữa các nước với Việt Nam.

Để khẩn trương ngăn chặn, chấm dứt tình trạng nêu trên, đồng thời để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam; cụ thể cần tập trung một số nội dung sau:

Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia) Tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ NNPTNT đề nghị UBND  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước.

Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ NNPTNT đề nghị Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; thông tin cho Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, để kịp thời phối hợp xử lý.

Cần xử lý nghiêm trường hợp buôn bán lợn trái phép

Là trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Hưng Yên, anh Trần Văn Khánh ở Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) hiện đang nuôi khoảng trên 1.000 con lợn nái, thịt. Theo anh Khánh, giá lợn trong nước vẫn đang ở mức khá cao khoảng 70.000 đồng/kg đảm bảo cho người nuôi có lãi khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.

Theo anh Khánh, dù sản phẩm chăn nuôi đang được giá nhưng các trại vẫn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine phòng, thuốc đặc trị nên các trại buộc phải áp dụng giải pháp chăn nuôi ăn toàn sinh học mới đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.

Nóng: Bộ NNPTNT yêu cầu tăng cường chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Khánh ở Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) lắp đặt hệ thống lưới ngăn chặn côn trùng vào trại gây bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Trần Quang

Để ngăn chặn dich bệnh, bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất, đưa vaccine dịch tả lợn châu Phi vào áp dụng, nhân rộng ra cả nước, anh Khánh cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cần ngăn chặn kịp thời và xử lý thật nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyện lợn qua biên giới, nhất là biên giới với Trung Quốc.

"Nếu không xử lý nghiêm thì các đối tượng buôn bán lợn ăn chênh giá cao vẫn sẽ hoạt động phức tạp càng khiến cho dịch bệnh trong nước bùng phát mạnh làm cho người chăn nuôi thiệt hại nặng hơn", chủ trang trại lợn ở Hưng Yên nói.

Đồng quan điểm với anh Khanh, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX chăn nuôi lợn công nghệ cao Hòa Mỹ ở Ứng Hòa (Hà Nội) kiến nghị các cơ quan chắc năng cần xử lý hình sự các đối tượng buôn bán,vận chuyện lợn qua biên giới.

"Dù các đối tượng chỉ vận chuyển số lượng ít qua các đường mòn, lối mở ở biên giới cũng phải bị xử lý hình sự mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh đối với cộng đồng", ông Thanh khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem