Bộ TN-MT chính thức công bố kết quả quan trắc sau vụ cháy Rạng Đông

Nguyễn Tố Thứ tư, ngày 04/09/2019 18:32 PM (GMT+7)
Hôm nay (4/9), Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) đã chính thức công bố kết quả quan trắc không khí, đất và nước mặt tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Bình luận 0

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người dân đã rất lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường từ vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, theo đó, Bộ TN-MT đã tiến hành quan trắc tại một số vị trí để đánh giá mức độ ảnh hưởng về không khí, đất và nước mặt.

img

Nhiều người đi qua cảm thấy khó thở với mùi cháy khét vẫn còn từ nhà xưởng thoát ra. Ảnh: Ngọc Hải

Theo kết quả quan trắc của Bộ TN-MT thì tại 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Thủy ngân theo hướng phát tán của dòng khí, tại vị trí hàng rào kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m, 1000m tính từ hàng rào kho bị cháy, cho thấy: 

Khoảng cách 200m từ hàng rào nhà máy, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị) 

Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy, có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người) 

Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là điểm ở Hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.

Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác. Tuy nhiên, đây là so sánh với ngưỡng của WHO và Châu Âu, Canada , còn so với ngưỡng của Việt Nam thì không vượt.

img

Từ thời gian xảy ra vụ việc tới nay, đến bây giờ những mảnh tôn, sắt thép, gạch vữa từ nhà máy mới được thu dọn và quây bạt. Ảnh: Ngọc Hải

Trước đó, trong cuộc họp ngày 3/9, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng đã khẳng định cần phải minh bạch thông tin ô nhiễm để người dân biết, tránh tình trạng người dân hoang mang, lo lắng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để nghiên cứu đánh giá và quản lý môi trường sau sự cố cháy nổ. Tổng cục Môi trường tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện; tiếp tục thực hiện quan trắc, kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường không khí, đất, nước xung quanh khu vực sự cố để có các khuyến cáo kịp thời tới cộng đồng.

Sau sự cố này, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan cần kiểm soát và đưa ra các quy định về sự cố an toàn hóa chất, sự cố môi trường, cháy nổ và có chính sách quản lý các cơ sở công nghiệp có liên quan đến hóa chất trong các khu đô thị để tránh những trường hợp đáng tiếc như sự cố vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem