Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các tỉnh Tây Nguyên làm cà phê cảnh quan, "cà phê phải từ cà phê"

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 14/10/2022 11:50 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gợi ý các tỉnh Tây Nguyên phát triển "cà phê cảnh quan" để khai thác hài hòa các giá trị kinh tế, văn hóa bản địa mà chỉ riêng vùng đất này có được
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 14/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong chuyến công tác đến một tỉnh Tây Nguyên vào tháng 9 vừa rồi, ông được giới thiệu loại trà cascara – trà từ vỏ cà phê với hương vị đặc trưng. 

Vỏ cà phê từng được xem là phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp, thì bây giờ, nhờ sự tìm tòi, sáng tạo và công nghệ hiện đại, vỏ cà phê tiếp tục được tận dụng, tuần hoàn, chế biến thành thức uống hảo hạng, tốt cho sức khoẻ. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những vườn cà phê giờ đây, được hỗ trợ xây dựng mô hình "cảnh quan" theo hướng sinh thái, bền vững, kết hợp với du lịch. "Cà quê cảnh quan" tích hợp đa giá trị, với ba tầng sinh thái hài hoà, luôn rộng cửa chào đón du khách tham quan. Trong đó, tầng cây cao gồm cây ăn trái, hồ tiêu, cây chắn gió, che nắng, hứng sương, giúp điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung dành cho cây cà phê. Và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật. 

Những cách làm mới, mô hình hiệu quả như thế, có lẽ là một trong các gợi mở, giải pháp đáng tham khảo để các địa phương khu vực Tây Nguyên chủ động và linh hoạt thích ứng với những "điểm nghẽn", trở ngại đang gặp phải. 

Nhất là trong bối cảnh môi trường suy thoái, tài nguyên đất đai bị "ngược đãi" vì lạm dụng hoá chất kích thích tăng trưởng, nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường,… đặt ra yêu cầu cấp thiết về tưới tiêu tiết kiệm nước, về canh tác tự nhiên, giữ đất, phục hồi độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, chống sạt lở, sụt lún, về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, bền vững. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các tỉnh Tây Nguyên làm cà phê cảnh quan, "cà phê phải từ cà phê" - Ảnh 1.

Nhà dài tại Khu du lịch sinh thái văn hoá cộng đồng Ko Tam (Đắk Lắk). Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến rừng, rừng là vàng nhưng cũng như nhiều địa phương có rừng khác, Tây Nguyên vẫn chưa thoát khỏi "nghịch lý" trong bảo vệ và phát triển rừng: diện tích rừng càng lớn, khó khăn dường như tăng lên gấp bội. 

Thực trạng cho thấy dù tỷ lệ che phủ vẫn được bảo đảm ổn định, nhưng chất lượng rừng bị giảm sút, gây suy giảm đa dạng sinh học. 

"Bảo vệ, phát triển rừng, tăng trưởng bền vững kinh tế rừng là quan điểm nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh sự phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, cần thêm cách tiếp cận khác, chủ động hơn, mở rộng hơn, như mô hình "cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên". 

Theo đó, chủ thể là đồng bào các dân tộc, là người nông dân, người gắn bó trực tiếp, là cộng đồng dân cư bản địa, có thể tham gia với cơ quan quản lý, để cùng chia sẻ về trách nhiệm và quyền lợi – được cải thiện sinh kế, đối với một diện tích có tài nguyên thiên nhiên, có rừng bao phủ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến buôn làng, đến cồng chiêng. Không phải buôn làng, không phải cồng chiêng đơn thuần, mà hơn hết là "không gian văn hoá" gắn với buôn làng, cồng chiêng. 

Vấn đề cấp thiết đặt ra ở đây là làm sao để gìn giữ và phát huy nguồn vốn văn hoá – xã hội tiềm tàng, vô hạn ấy, nhất là khi không gian buôn làng, văn hoá bản địa đặc trưng dường như ít nhiều bị mai một, bị xâm dụng, bị tổn hại, trong thời gian gần đây? 

"Nhìn nhận thẳng thắn từ thực tế triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, rất đáng tiếc khi nhiều nơi ở Tây Nguyên đã chứng kiến phong trào "đồng phục hoá, bê tông hoá" buôn làng, du nhập kiến trúc - văn hoá thiếu sàng lọc. Chất Tây Nguyên vốn dĩ khoẻ khoắn, mộc mạc, rắn rỏi một cách tự nhiên, bỗng chốc phai nhạt ít nhiều" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu một thực tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các tỉnh Tây Nguyên làm cà phê cảnh quan, "cà phê phải từ cà phê" - Ảnh 2.

Anh Y Pốt Niê - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 ở Đắk Lắk xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê. Ảnh: D.V

Quan điểm tiếp cận "phát triển cộng đồng dựa vào nội lực" có thể được xem là một gợi mở cần lan toả. Không chỉ là những hỗ trợ từ bên ngoài, đôi khi chỉ mang tính thời điểm và thiếu sát thực, cộng đồng dân cư bản địa, đồng bào các dân tộc được khuyến khích, được tạo cơ hội thuận lợi để phát huy tinh thần chủ động, tự lực, dựa trên điều kiện và nguồn lực hiện có. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tích cực trao đổi, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên quan tâm đến việc gắn kết, hỗ trợ các hợp tác xã trong vùng hoạt động hiệu quả, chất lượng, bền vững. 

Mở rộng tái canh cà phê ở nhiều địa phương

Đề án tái canh đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam, cụ thể là việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.

Tái canh cà phê đã đạt vượt kế hoạch, tính lũy kế đến năm 2020 diện tích tái canh cà phê và ghép cải tạo đạt gần 150 nghìn ha, vượt 30 nghìn ha so với kế hoạch.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông qua các hợp tác xã hay các nông hội - hội quán nông nghiệp của những người nông dân, người tham gia liên kết được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiếp cận việc ký kết hợp đồng sản xuất – tiêu thụ bài bản, sinh kế được bảo đảm, chất lượng sống ngày một tăng thêm. 

Nhắc đến Tây Nguyên, không thể không nhắc đến các loại cây công nghiệp và cây ăn quả chủ lực, tiêu biểu như cà phê và sầu riêng, hội đủ điều kiện, yêu cầu "hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn gắn với các trung tâm chế biến" như nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra.

Với cà phê, đôi khi đổi mới, chỉ đơn giản là trở về với điều đã tồn tại bấy lâu, với cách thức truyền thống, quen thuộc, là tìm lại hương vị nguyên bản sau khoảng thời gian bị "lệch chuẩn". Như sự kiện được tổ chức gần đây tại phố núi, hành trình "chuẩn vị" tạo được sức hút lớn khi truyền đi thông điệp giản đơn: "Cà phê phải từ cà phê". Ngày trước là "miếng trầu", bây giờ chính tách cà phê "mở đầu câu chuyện". "Nghĩ đến cà phê, nghĩ ngay đến Tây Nguyên, nghĩ ngay đến Highlands của Việt Nam. Tại sao không?", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nêu câu hỏi.

Với sầu riêng, là tin vui từ sự kiện xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, với bao cảm xúc lạc quan lan toả từ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã, người dân gắn bó cùng "vua của các loại trái cây" suốt bao năm qua.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các tỉnh Tây Nguyên làm cà phê cảnh quan, "cà phê phải từ cà phê" - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cắt băng, đưa lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Duy Hậu.

Để hành trình chính ngạch được tiếp nối dài lâu, cần sự tham gia tích cực, năng động, vì lợi ích chung, của mỗi nhân tố trong hệ sinh thái ngành hàng. Đắk Lắk hiện đang tất bật vận động Hiệp hội ngành hàng sầu riêng của tỉnh. Từ quy mô của địa phương, sẽ dần mở rộng ra khắp vùng Tây Nguyên, rồi tiến tới Hiệp hội ngành hàng sầu riêng của cả nước.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tiềm năng Tây Nguyên đang được đánh thức và sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nhờ Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tiềm năng có thể vô hạn, nhưng tài nguyên, bao gồm đất đai và nguồn nước, rừng và khoáng sản lại hữu hạn. Do đó, chỉ khi tích hợp đa tầng giá trị, gắn kết liên kết vùng mới kích hoạt trọn vẹn tiềm năng ấy.

Xuất khẩu cà phê tăng đáng kể

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.

img

Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đáng kể từ đầu năm tới nay. Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021.

8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem