Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mọi ngành hàng phải được quản lý theo chuẩn mực quốc tế
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mọi ngành hàng phải được quản lý theo chuẩn mực quốc tế
Khương Lực
Thứ tư, ngày 29/12/2021 15:45 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành NNPTNT năm 2021, thực hiện kế hoạch năm 2022 sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá, những thành tựu ngành NNPTNT đạt được trong năm 2021, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục 48,6 tỷ USD rất đáng tự hào, nhưng chúng ta không được tự bằng lòng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong năm 2021 đầy biến động, tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt 2,58%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Chính phủ giao.
Vượt qua nỗi đắn đo, tìm ra cách tiếp cận mới hơn
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong một năm đầy biến động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số,… đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và lan toả, làm thay đổi tích cực cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống.
Toàn ngành NNPTNT đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn.
"Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", chuyển từ "tư duy quản lý" sang "tư duy hỗ trợ, kiến tạo" như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục khẳng định thành tích "to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử". Những sản phẩm OCOP từ làng quê nông thôn dần trở thành sản phẩm quốc gia "hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa".
Theo Bộ trưởng, dù trong bối cảnh nào, nông thôn vẫn dang rộng vòng tay, chào đón những người dân trở về, đã minh chứng cho sự bền bỉ đi lên của khu vực nông thôn. Bộ máy toàn ngành đã năng động hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn trong xử lý các tình huống khi có những biến cố bất ngờ.
Hoạt động của 2 tổ công tác đặc biệt tích cực phối hợp với từng địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc khi chuỗi cung ứng nông sản bị đứt đoạn, đã minh chứng điều đó.
"Trong năm 2021, chúng ta đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", chuyển từ "tư duy quản lý" sang "tư duy hỗ trợ, kiến tạo" như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thành tựu đáng tự hào, nhưng không được tự bằng lòng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, những thành tựu của ngành NNPTNT đạt được trong năm 2021 đáng tự hào, nhưng không được tự bằng lòng, khi những điều khó khăn, khó lường vẫn còn phía trước. Nông nghiệp được xem là ngành luôn đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức.
Trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ, mà đại dịch Covid-19 là một minh chứng, nông nghiệp lại đứng trước nhiều thách thức mới: biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, biến động thị trường và những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, biến chuyển xu thế tiêu dùng và cách tiếp cận nền nông nghiệp xanh, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Theo Bộ trưởng, việc nông sản vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu cho thấy, ngành NNPTNT không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu.
Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững. Đó là phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản.
"Chúng ta phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường, khi chỉ bán nguyên liệu thô" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là phải xác định đúng vai trò của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị trong từng chuỗi ngành hàng.
Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương.
Bên cạnh đó, tình trạng khuyến nông cơ sở ở một số địa phương bị đứt gãy. Những điều chỉnh, thay đổi về mô hình tổ chức các trung tâm, chi cục ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở cần được đánh giá đúng mực và tổ chức lại một cách nhất quán, phù hợp với tư duy mới, bối cảnh mới và điều kiện đặc thù từng địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cơn sốt biến động giá nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp từ trồng trọt cho đến chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, gây nhiều xáo trộn, bấp bênh, do phần lớn còn lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài.
Điều đó cho thấy cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất của người nông dân và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, bằng cách tiến đến sử dụng một phần nguyên liệu nội địa, nguyên liệu thay thế phù hợp, hiệu quả. Các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này.
"Chúng ta đã vượt qua vụ Điều tra 301, nhờ đó thị trường và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng hơn cả kỳ vọng. Nhưng thẻ vàng IUU trong lĩnh vực thuỷ sản vẫn còn đó cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm, mọi ngành hàng phải được tổ chức lại và quản lý theo chuẩn mực quốc tế. Lời nguyền một nền nông nghiệp "manh mún, nhỏ lẽ, tự phát" nếu không tìm được lời giải thoả đáng, thì không thể hướng đến sự phát triển bền vững" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng, đã được hoàn thành và sẽ trình Thủ tướng.
Bộ NNPTNT đã tổng hợp ý kiến đóng góp quý báu của các bộ, ban, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến tham vấn của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, ý kiến của các địa phương...
Theo Bộ trưởng, Chiến lược trên đã được xây dựng từ trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành. Chiến lược hiện thực hoá tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng: "Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực".
Chiến lược này không chỉ định vị nông nghiệp, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là "trụ đỡ" khi kinh tế gặp khó khăn, mà trong cả một cấu trúc góp phần phát triển kinh - tế xã hội đất nước bền vững.
Chiến lược này không chỉ riêng của ngành NNPTNT, mà cần đến hành động tập thể, sự phối hợp, đồng hành của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
"Như Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo tinh thần "không cầu toàn nhưng cũng không được nóng vội", chúng ta sẽ linh hoạt triển khai thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với những bối cảnh, diễn biến thực tế. Tôi nghĩ rằng, lựa chọn con đường đi quan trọng hơn là giải pháp, khi đã lựa chọn đúng, chắc chắn rồi chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp đúng đắn, khả thi và phù hợp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.