Tổng kết nông nghiệp 2021: Nhiều lãnh đạo tỉnh chia sẻ khó khăn với Thủ tướng Phạm Minh Chính

K.Nguyên Thứ tư, ngày 29/12/2021 10:49 AM (GMT+7)
Xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, phát triển các chuỗi sản xuất khép kín là những kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022.
Bình luận 0

Đăk Nông: Cây gì cũng trồng được nhưng không có nhà máy chế biến nông sản

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, Đăk Nông cũng hội tụ mọi điều kiện để phát triển nền nông nghiệp đa dạng dựa trên sự phong phú về đa dạng sinh học của địa phương.

Tiy nhiên, ông Mười cũng thừa nhận, ngành nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế. Đăk Nông có nhiều sản phẩm tiêu, bơ, nhưng chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

"Đến nay, cả tỉnh chưa có nhà máy chế biến nông sản sâu nào, trong khi hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế" - ông Mười nói.

Theo ông Mười, dư địa phát triển nông nghiệp của Đăk Nông còn rất lớn. "Cả nước có cây gì Đăk Nông đều trồng được nhưng còn manh mún nhỏ lẻ" - ông Mười nêu một thực tế.

Đăk Nông: Cái gì cũng trồng được, chỉ thiếu nhà máy chế biến sâu - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NNPTNT, Đăk Nông đang tích cực phát huy lợi thế nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. 

"Chúng tôi có hồ Tà Nùng 5.500ha mặt nước, có cung đường xuyên rừng tự nhiên, nếu phát triển tốt kinh tế rừng kết hợp với du lịch sinh thái sẽ mang lại nguồn lợi lớn" - ông Mười cho biết. 

Bên cạnh đó, Đăk Nông cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng.

"Có một thực tế là một doanh nghiệp đang quản lý 25.000 ha rừng nhưng không đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách địa phương cho thấy kinh tế rừng chưa được phát huy" - ông Mười khẳng định.

Từ thực tế này, ông Mười đề nghị các bộ ngành Trung ương ban hành chính sách mới về quản lý bảo vệ rừng. 

Nghệ An: Đề xuất đẩy mạnh chế biến sâu

Trong khi đó, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Nghệ An vẫn đảm bảo tăng trưởng đặc biệt trong ngành nông nghiệp, đạt hơn 5,8% so với năm 2020.

Đăk Nông: Cái gì cũng trồng được, chỉ thiếu nhà máy chế biến sâu - Ảnh 2.

Các đại biểu phát biểu tại các điểm cầu địa phương.

Tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với tiềm năng vùng, tích cực và quyết liệt kìm tỏa sự lây lan dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỉnh chuyển sang tập trung quy mô lớn, chủ động kiểm soát dịch bệnh lây lan trên vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục.

Về thủy sản, Nghệ An đã chỉ đạo chuyển đổi, nâng cao diện tích nuôi, tập trung tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tuân thủ các quy định về IUU, tăng trưởng đạt 7,5% so với năm 2020.

Là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước (964.000 ha, đạt 58,5%), Nghệ An đã thành lập khu lâm nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, đảm bảo đời sống nhân dân.

Về chế biến lương thực thực phẩm, tỉnh đã phối hợp với Bộ NNPTNT và các đơn vị để tổ chức và tham gia các diễn đàn xúc tiến, đồng thời chú trọng chế biến sâu, được các nhà máy địa bàn tiêu thụ đầy đủ.

Tại Hội nghị, tỉnh Nghệ An chia sẻ một số đề xuất, nguyện vọng: Đề nghị Bộ NN-PTNT sớm phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia; phân bố các nguồn kinh phí, có chính sách hỗ trợ sớm ngay từ đầu năm để các địa phương có cơ sở triển khai sớm; nhấn mạnh tầm quan trọng của nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, có hướng thị trường mở rộng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem