Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Ba phút không biết chọn cái gì để nói”

Thành An - Nguyễn Hòa Thứ sáu, ngày 08/11/2019 12:08 PM (GMT+7)
Cho rằng các ý kiến của các đại biểu đưa ra “rất to”, “ba phút không biết chọn cái gì” để trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xin phép trả lời “gộp” các câu hỏi của các đại biểu.
Bình luận 0

Theo đó, trả lời đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) và đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tranh luận việc có cần phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam hay không. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đặt vấn đề này từ thực tế muốn làm chủ, bởi "nếu không làm chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế".

Người đứng đầu ngành TTTT chia sẻ, ngay khi trở thành Bộ trưởng, việc đầu tiên là ông lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.

img

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 8/11.

“Sau một năm, mạng xã hội Việt Nam tăng lên 65 triệu người dùng, tăng 30%. Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của người dân”, ông nói. 

“Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia", Bộ trưởng TTTT nói thêm và cho rằng không đặt mục tiêu mạng xã hội Việt Nam thay thế mạng xã hội nước ngoài. 

"Việt Nam đã hội nhập, mở cửa kêu gọi đầu tư. Nhưng ai vào Việt Nam làm ăn đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, giúp Việt Nam thịnh vượng lên. Tương tự, mạng xã hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", ông nói.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chất vấn về bộ lọc để phát hiện tin xấu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có 2 bộ lọc. Bộ lọc đầu tiên là của công ty cung cấp nền tảng. 

“Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp từ chối hợp tác xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tuỳ tục. Hiện nay chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ. Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc. Các nhà mạng mới đã có công cụ này. Hiện nay có hai cơ chế gỡ… Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động. Nhưng hiện nay thì đúng là các bộ, ngành, địa phương cũng phải đầu tư nguồn lực”, ông nói.

Về phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thuý (đoàn Bắc Kạn) hỏi bây giờ Bộ trưởng Bộ TTTT đánh giá gì về hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn nhận lỗi lớn “một năm làm Bộ trưởng cũng chưa đến Quốc hội để làm việc với Trung tâm công nghệ thông tin về hệ thống công nghệ thông tin ở đây”. 

“Về đánh giá, tôi rất ngỡ ngàng khi vào đây, lúc ngồi dưới phần mềm dịch âm thanh thành văn bản rất tốt. Tôi vừa mới đi dự Hội nghị viễn thông thế giới thấy rằng công nghệ của mình không kém gì, thậm chí nhanh hơn, độ chính xác cao hơn”, ông nói và bày tỏ việc các ĐBQH dùng Ipad để tra cứu tài liệu cơ bản là “tránh chuyện một túi rất to”. 

Ông cũng “khoe” với ĐBQH việc trang bị ipad là do các doanh nghiệp trong ngành thông tin truyền thông hỗ trợ và được phép của Bộ trưởng TTTT. Đúng lúc này, Chủ tịch Quốc hội giơ máy tính lên và nói “chúng tôi xin thưa là nãy giờ Bộ trưởng nói cái gì, trên máy tôi hiện hết”. 

“Có thể nói, phần mềm dịch từ giọng nước sang thành văn bản của Quốc hội đang dùng hiện nay so với thế giới là rất tốt”, Bộ trưởng đánh giá và cho biết, sắp tới sẽ khuyến nghị các cơ quan khác dùng. “Xin hứa với Chủ tịch Quốc hội trong năm nay. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có buổi làm việc chuyên chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong Quốc hội”, Bộ trưởng TTTT nói.

img

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre.

Sau khi trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) về cảnh báo “Trang giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng. “Anh Nhưỡng đoàn đại biểu Bến Tre nêu ra nhiều nội dung quá. Bây giờ tôi không biết chọn cái gì đây”, Bộ trưởng nói và nêu ra 3 nội dung câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng là “quy hoạch báo chí, bảo vệ nhà báo phóng viên trong chống tham nhũng, hỗ trợ truyền thông, phối hợp Bộ Công an…”. 

“Tôi nghĩ rằng tôi chọn phần cuối cùng vì nó dài quá. Còn ba phần trên xin phép gặp riêng, hôm nào mời cơm anh một bữa”, ông nói – đồng thời lúc này cả nghị trường ồ lên những tiếng cười, Bộ trưởng đi vào trả lời nội dung cuối câu hỏi chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về an ninh mạng thì không phải chỉ có Bộ TTTT, Bộ Công an mà còn có lực lượng mật mã, có cơ quan tác chiến mạng. Hiện nay, Bộ đã làm được việc là các đơn vị hàng tháng gặp nhau. Mang vấn đề ra xử lý thì làm rất tốt. Đây là thời điểm tốt nhất phối hợp giữa Bộ TTTT và các đơn vị làm về an ninh, an toàn thông tin mạng.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn. 

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố nghỉ trưa. Chiều nay sẽ mời Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham gia trả lời chất vấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem