Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "phản đối" cắt điện nước để cưỡng chế vi phạm

Minh Hiếu Thứ năm, ngày 11/06/2020 14:42 PM (GMT+7)
Tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn "phản đối" việc cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính.
Bình luận 0

Việc dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng lớn đến toàn dân và mang tính chất lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Việc điều chỉnh, bổ sung những điều khoản, tăng mức xử phạt giúp quản lý xã hội tốt hơn thì có tác động răn đe rất lớn với toàn xã hội.

Qua đó, nhiều ĐBQH đã đồng tình với những đề xuất mới của dự thảo Luật về tăng mức phạt hành chính tối đa của 10 lĩnh vực như GTĐB, thủy lợi, kinh doanh bất động sản… và đề xuất bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như về vấn đề tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn an ninh mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "phản đối" cắt điện nước để cưỡng chế vi phạm - Ảnh 1.

Việc cắt điện sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh sản xuất.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Chiến (Đoàn ĐBQH Hà Nội), từ thực tiễn cho thể thấy, quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và mức xử phạt cao được quy định tại Nghị định 100 đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Đặc biệt, việc tăng mức xử phạt hành chính đã làm cho người dân tự ý thức phải tránh xa những hành vi vi phạm mà Luật đã quy định.

"Rõ ràng cần phải mạnh dạn quy định mức phạt nặng nếu những vi phạm đó gây tác hại, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội", ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "phản đối" cắt điện nước để cưỡng chế vi phạm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Đưa ra ý kiến tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, liên quan đến quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, cần lấy kinh nghiệm từ Nghị định 100 của Chính phủ khi ban hành đã tạo đột phá rất lớn. Những người vi phạm sẽ đắn đo rất nhiều bởi bị phạt mức rất cao, dẫn đến ảnh hưởng lớn, thậm chí phá sản và nếu tiếp tục vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Đối với đề xuất bổ sung quy định ngừng cấp điện, nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đồng tình và cho rằng, đây là "giải pháp không cần thiết" và quy định này cho đến cùng cũng chỉ xử lý về kinh tế. Việc ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân cũng bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng ngàn công nhân mà dừng cung cấp điện, nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này, tác động rất ghê gớm, lâu dài.

"Chúng ta nói sẽ xử lý ở vị trí cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nói nhẹ nhàng nhưng hậu quả phía sau có thể rất lớn. Tôi đề nghị hình thức bổ sung nếu vi phạm có thể phạt tăng gấp 10 - 50 lần mức vi phạm hiện nay để răn đe. Việc này, đánh thẳng vào kinh tế của tổ chức, cá nhân vi phạm và không gây ảnh hưởng đến xã hội" Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, điện nước là tài sản trao đổi giữa nhà cung cấp và cá nhân, tổ chức, cơ quan, được xác lập bằng hợp đồng dân sự chi tiết. Nếu bên mua vi phạm thì bên bán có quyền ngưng cung cấp, còn bên cung cấp vi phạm chất lượng, mức giá thì bên mua có thể nhờ cấp cao hơn xử phạt.

"Quy định cắt điện, nước khi cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính sẽ buộc các công ty vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ các bên liên quan. Hơn nữa, điện nước là điều kiện cần, không nên làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân", bà Mẫn nói.

Dưới góc nhìn pháp lý trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Không nên áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt hành chính. Vì, bản chất việc cung cấp các dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự, chỉ tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết hủy bỏ hoặc chấm dứt, đình chỉ hay xử phạt với những vi phạm trong hợp đồng. 

“Trong Nhà nước pháp quyền, các quy định về quyền hành chính, quyền dân sự của tư pháp phải được tách bạch, rành mạch, không nên lấn cản sang các chức năng của cơ quan tư pháp. Do đó, việc sử dụng các mệnh lệnh hành chính can thiệp trong các hợp đồng dân sự sẽ không chỉ gây thiệt hại cho những người vi phạm mà còn gây thiệt hại cho cả những nhà cung cấp”, luật sư Bình cho biết. 

Luật sư Bình cho biết thêm, những hành vi vi phạm đôi khi chỉ là hành vi của một cá nhân nhưng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước lại gây ảnh hưởng tới cả một tổ chức, một hộ gia đình, thậm chí cả một tập thể. Nếu áp dụng chung như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả những người không liên quan. “Bên cạnh đó, có nhiều dự án, công trình có chủ đầu tư khác nhưng đơn vị thi công lại khác nhau. Trong rất nhiều trường hợp có thể những vi phạm là thuộc về lĩnh vực xử phạt hành chính nhưng lại có nhiều hành vi tái phạm thì lại thuộc về trách nhiệm hình sự nếu ở mức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, Nhà nước thì có thể khởi tố, xử lý hình sự”, luật sư Bình phân tích.

Đơn vị quản lý được quyền cắt điện nước của cư dân “chây ì”?
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem