Bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử phạt hàng trăm triệu đồng

P.V Thứ hai, ngày 22/10/2018 17:00 PM (GMT+7)
Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ 20.10.2018) đã quy định mức xử phạt hành vi bơm tạp chất vào thủy hải sản cao gấp 10 lần nghị định cũ.
Bình luận 0

Tại hội nghị sơ kết đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liệu vừa được tổ chức ngày 16.10, đại tá Nguyễn Văn Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu - cho biết, qua rà soát, trước khi có đề án kiểm soát tôm tạp chất, tỉnh xác định có 711 cơ sở thu mua, sơ chế tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 361 cơ sở có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tôm tạp chất. Các đơn vị chức năng đã cho 361 cơ sở này ký cam kết không tổ chức bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển sản phẩm tôm tạp chất.

img

Cá nhân bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng

“Thời điểm ngày 15.7.2018, có 156 cơ sở và đến 30.9.2018 còn 134 cơ sở nghi vấn đang hoạt động”, đại tá Hận thông tin.

Thời gian qua, Bạc Liêu phát hiện 120 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất, với số lượng trên 21 tấn. Trong đó, nguồn tôm từ trong tỉnh có tổng số 100 vụ; nguồn tôm từ ngoài tỉnh có tổng số 20 vụ. Tỉnh đã xử lý hành chính với số tiền trên 5 tỉ đồng, đồng thời công khai hàng chục cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian qua, ngoài Bạc Liêu, công tác ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến sản phẩm tôm có chứa tạp chất được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ ngành… Nhiều vụ việc bơm tạp chất vào tôm, thủy hải sản đã được phanh phui và xử phạt. 

Ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác Thanh tra (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ 20.10.2018) đã tăng mức phạt cao gấp 10 lần so với Nghị định xử phạt cũ đối với hành vi tiêm tạp chất vào thủy hải sản.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định 115 nêu rõ các vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thủy sản.

Theo đó, khoản 5 Điều 11 ghi: “Phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng theo một trong các mức sau đây:

-Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;

-Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

-Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo ông Châu, ngoài phạt tiền còn có các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng; Tịch thu tang vật. Đồng thời buộc cá nhân, cơ sở vi phạm khắc phục hậu quả bằng cách buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với vi phạm quy định.

"Như vậy, tuy mức xử phạt cao nhất chỉ 5 triệu đồng với cá nhân và 70 triệu đồng với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy hải sản. Tuy nhiên, nếu tang vật tịch thu với số lượng lớn, buộc phải tiêu hủy lô hàng thì người vi phạm có thể bị mất số hàng hàng trăm triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động sản xuất, thiệt hại còn lớn hơn nhiều số tiền bị phạt" - ông Châu khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem