Bữa cơm chiều cuối năm

Thái Hương Liên Thứ năm, ngày 11/02/2021 20:00 PM (GMT+7)
Làng Việt những năm gần đây có quá nhiều thay đổi. Những gian bếp đun rơm đun củi đượm khói được thay thế bằng phòng bếp sáng sủa tiện nghi với bếp gas, quạt hút mùi, lò vi sóng, tủ lạnh, bàn ghế ăn, tủ bếp hiện đại...
Bình luận 0

Vì thế, bây giờ về làng, tìm kiếm những vật dụng ấy dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm kiếm một gian bếp đun củi với cái chạn bát cũ kỹ cùng nồi niêu xoong chảo đen nhẻm nhọ nồi. Thật khó có thể tìm thấy một cái "gác bếp" bám dày bồ hóng và chất đầy vỏ bưởi khô, bồ kết gội đầu cùng với những vật dụng nhà nông… đề phòng mối mọt.

Ngày trước, bữa cơm quê được nấu trong những gian bếp chật chội ấy. Rơm rạ, củi gộc là chất đốt chủ yếu để nấu ăn nên đôi lúc mở vung nồi cơm nồi canh ra, tàn tro còn bay vào đậu cả lên thức ăn khiến cho đồ ăn cũng... thơm mùi khói bếp. Nhiều gia đình, nhất là vào mùa đông thường dọn cơm ăn ngay trong bếp với chiếc mâm chõng bằng tre có tác dụng giống như chiếc bàn ăn bây giờ. Không gian hẹp, vì thế bữa cơm dù đơn sơ nhưng lúc nào cũng ấm áp vui vẻ với tiếng trẻ con giành nhau chiếc ghế con xinh xinh, đôi đũa không bị lệch, chiếc bát không sứt miệng...

Tatnien/ Bữa cơm chiều cuối năm - Ảnh 1.

Bữa cơm quê đạm bạc nhưng chan chứa yêu thương luôn là nỗi nhớ mong của nhiều người (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Họ mong muốn cuộc sống ngày càng đi lên nhưng cũng vẫn ao ước làng quê luôn giữ được trong mình nếp làng. Và không khí những bữa cơm ngày trước vẫn để lại cho họ nỗi cồn cào mỗi khi chợt nhớ…

Cả nhà chờ nhau về đầy đủ mới ngả mâm, lấy bát đũa, bê nồi cơm canh ra ăn cho nóng. Họ chờ đợi nhau cùng ăn vì sợ để phần, người về sau sẽ phải ăn đồ nguội. Thức ăn lúc ấy thì "tương cà là gia bản", thỉnh thoảng mới có tí cá thịt, miếng đậu kho nên người lớn gắp cho trẻ con, trẻ con lại nhìn để phần người lớn. Vào những bữa cơm cả nhà ngon miệng, dưa cà trong vại sẽ được trẻ con gắp thêm ra, người lớn sẽ mở chum múc thêm ít tương nếp. Mê cơm cháy vàng rộm như miếng bánh mì do thổi từ nồi gang trên bếp củi sẽ được chia nhau chén hết veo. Hơn nữa thời ấy, chợ quê chủ yếu chỉ bán những sản vật của đồng ruộng "cây nhà lá vườn", nào là mớ rau, quả chuối trồng trong vườn ăn không hết thì bán lấy vài đồng mua thứ mình còn thiếu. Từ cá tép tôm cua cho đến con gà con vịt, miếng thịt lợn… đều là thứ tăng gia sản xuất hoặc kiếm được trên cánh đồng nên mua bán chẳng tính toán thiệt hơn, gặp người quen thân sẵn lòng biếu nhau mang về ăn lấy thảo. Thế nên chợ xưa ít khi có chuyện mua tranh bán cướp hay những chửi bới khó nghe bởi kẻ mua người bán đều là nông dân nghèo cả.

* * *

Bây giờ, làng quê không chỉ thuần nông mà còn có thêm nhiều nghề khác nên mỗi người có một thời gian biểu. Nhiều lúc, bữa ăn cũng không còn tập trung đầy đủ cả nhà. Bố mẹ có thể đi làm chưa về, con cái có đứa đi học về muộn, đứa lại phải đi sớm cho kịp giờ vào lớp. Nỗi lo cơm canh phần người ăn sau nguội lạnh đã không còn vì nồi cơm cắm điện vào là nóng cả ngày, thức ăn lỡ nguội cũng đã có lò vi sóng, chỉ mấy chục giây sau là nóng bỏng như thường.

Trước đây, mỗi khi tết đến, người quê coi đấy là thời điểm vô cùng quan trọng, họ chuẩn bị thực phẩm trước đó cả năm trời. Bữa cơm ngày tết cũng được chú trọng đặc biệt. Cả nhà quây quần bên nhau rửa lá, gói bánh, ngả lợn, gói giò, nấu đông… Mâm cỗ cúng được cả nhà xúm vào chuẩn bị, vì thế không khí luôn đầm ấm, mọi người cảm thấy gần gũi, vui vẻ.

Còn ngày nay, khi tết đến nhiều người lấy lý do bận rộn, việc mua sắm vì thế được tiến hành gọn nhẹ, ưu tiên cho đồ chế biến sẵn. Bánh chưng, giò chả có thể đặt mua, gà cúng, xôi gấc có người đem đến tận nơi nóng hổi chỉ việc đặt lên bàn thờ trước lúc giao thừa. Kẹo bánh hạt dưa hoa quả ra chợ một lát là đủ, bọn trẻ thì đi học đến sát tết mới nghỉ lấy đâu ra người dọn dẹp, phụ làm món ăn.

Tết bây giờ là dịp xả stress nên vui chơi là chính chứ bày biện ra nấu nướng mệt lắm mà chẳng có người ăn cho. Khi nào có khách đến nhà thì cắt bánh, bật bia, mở tủ lạnh là có đồ ăn đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, tất cả đều có sẵn vô cùng tiện lợi. Cuộc sống tiện nghi khiến cho người ta cảm thấy dễ chịu và họ đã quen với cuộc sống này bởi mọi đồ dùng, thiết bị và dịch vụ ngày nay khiến cho cuộc sống bớt vất vả hơn. Nhắc đến những năm tháng đã xa, nhiều người nhất là những người không còn trẻ chắc hẳn sẽ không khỏi có những cảm giác tiếc nuối nhớ nhung nhưng họ vẫn rất bằng lòng với những gì mình đang có. Họ mong muốn cuộc sống ngày càng đi lên nhưng cũng vẫn ao ước làng quê luôn giữ được trong mình nếp làng. Và không khí những bữa cơm ngày trước vẫn để lại cho họ nỗi cồn cào mỗi khi chợt nhớ…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem