“Bức hoạ đồng quê” ở Hòa Vang

Thứ tư, ngày 06/04/2011 20:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đoàn cán bộ nông dân của một huyện vùng Bắc miền Trung vào huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đây đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nông thôn một cách hiện đại, nhưng vẫn giữ được nhiều nét riêng của làng quê nơi đây.
Bình luận 0

Điểm tham quan đầu tiên của đoàn là xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Vừa rẽ qua đường 605 một đoạn, mọi người đề nghị dừng lại ngắm đồng quê.

img
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Hòa Tiến.

Không khác ở phố

Đứng trên con đường rộng 15m, thảm nhựa phẳng lỳ, ai nấy đều trầm trồ: "Đường nông thôn mà chẳng khác gì đường đô thị. Đã đi nhiều nơi, chưa thấy ở đâu giao thông nông thôn rộng, đẹp, lại có cả đèn cao áp chiếu sáng như ở đây".

Một vài người lấy máy ảnh chụp cảnh đồng quê, nơi hàng chục nông dân và mấy chiếc máy cày đang hối hả làm đất vụ đông xuân. "Sẽ còn nhiều điều bất ngờ đang ở phía trước"-người hướng dẫn giục mọi người lên xe bởi còn nhiều nơi cần đến. Xe bon bon trên đường 605 hướng về trung tâm xã Hòa Tiến.

Tại trang trại nuôi gà thịt của lão nông Mai Ngọc ở xã Hòa Phú, mọi người cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hoạt động chăn nuôi đem lại hiệu quả cao đến vậy. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có 184 trang trại, trong đó có hơn 60 trang trại chăn nuôi, nhiều trại nuôi tới 30.000-40.000 con gà…

Xe dừng, ai nấy bước xuống và đều ngỡ ngàng trước khung cảnh khang trang, bề thế của vùng quê. Là xã thuần nông, nhưng hiện Hoà Tiến đã hoàn thiện trung tâm hành chính, trạm y tế và trường học đều được xây dựng kiên cố 2 tầng. Hệ thống giao thông đều thảm nhựa và bê tông hóa, hệ thống thủy nông khá hoàn thiện.

Trên địa bàn xã hiện có 3 làng nghề truyền thống và 14 doanh nghiệp với gần 600 hộ hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Về xây dựng nông thôn mới, Hoà Tiến dẫn đầu TP. Đà Nẵng với 15/ 19 tiêu chí đã đạt.

Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Hoà Tiến đã đạt 16 triệu đồng, trở thành địa phương dẫn đầu huyện Hòa Vang về sản xuất nông nghiệp khi xây dựng thành công vùng chuyên canh lúa giống, vùng trồng hoa và khu chăn nuôi tập trung. Đến nay, 100% hộ có nhà ở kiên cố, gần 100% hộ có xe gắn máy và máy thu hình, ô tô hàng trăm chiếc"…

"Họ làm cách nào mà giàu vậy?"- Ông trưởng đoàn và vài ba người nữa đặt vấn đề. "Bằng sức dân là chủ yếu, cộng thêm sự đầu tư rất hiệu quả từ trên. "Xã này, trước đây cũng nghèo lắm. Sau giải phóng không một ngôi nhà xây, 1 vạn trong số 1,3 vạn dân phải nhận gạo cứu đói của trên, đồng ruộng hoang hóa đầy rẫy bom mìn”- một cán bộ xã Hòa Tiến hào hứng...

Sẽ còn giàu có…

Chia tay xã Hòa Tiến, đoàn tiếp tục hành trình ngược lên các xã vùng trung du miền núi. Xe bon bon trên đường rộng hơn 10m, vừa dải thảm nhựa cách đây ít tháng, rồi vượt cầu sông Yên lên trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.

Vừa chớm đường 14B, khi phía trước hiện ra nhiều ngôi nhà cao tầng giữa khung cảnh đồng quê thơ mộng, ai nấy đều ồ lên và đề nghị dừng xe. Đoàn được giới thiệu về khu trung tâm hành chính huyện Hòa Vang có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng (vừa đưa vào sử dụng cách đây 2 năm) và những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đoàn đến thăm vài nơi nữa, trong đó có làng nuôi cá ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong. Mô hình nuôi cá công nghiệp ở Hoà Phong trong những năm gần đây khá hiệu quả với năng suất đạt 20-30 tấn/ha/năm. Đa số hộ nuôi cá ở đây thu tiền tỷ mỗi năm. “Có đi mới biết nơi khác họ làm ăn hiệu quả thế nào. Thu nhập cao như vậy, gì mà không giàu” - mọi người trong đoàn nói với nhau trên đường trở ra xe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem