Cả 63 tỉnh, thành có bệnh tay chân miệng

Thứ hai, ngày 17/10/2011 18:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 16.10, báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận dịch tay chân miệng đã lan rộng ra 63/63 tỉnh, thành của cả nước với 71.472 ca mắc, số ca tử vong đã lên đến 130.
Bình luận 0

Hai địa phương cuối cùng ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng (TCM) là Tuyên Quang và Cao Bằng. Số ca mắc ghi nhận tuần qua tăng đột biến gần 5.200 ca và thêm 11 trường hợp tử vong so với thống kê cuối tuần trước.

img
Điều trị bệnh nhân tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

63/63 tỉnh, thành có dịch

Như vậy, thực tế đã chứng minh các tỉnh và Bộ Y tế chưa thể khống chế được bệnh dù đã tuyên bố hùng hồn: “Dịch bệnh đang được kiểm soát và có chiều hướng giảm” từ hơn 1 tháng trước.

Lý giải nguyên nhân gia tăng bất thường số ca TCM này, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho rằng, do thống kê có bổ sung số trường hợp mắc và tử vong của 7 tỉnh, thành trong hai tuần trước đó mà chưa kịp báo cáo (?).

Mỗi ngày, con số thống kê về tình hình dịch TCM càng khiến người dân thêm hoang mang, lo sợ về sự “an nguy” của con em họ khi đến lớp học, nhà trẻ. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo sự gia tăng bất thường của dịch TCM sẽ còn tiếp tục kéo dài vì đỉnh dịch thường từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Trong khi đó, bệnh TCM chủ yếu lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nhưng chưa có vaccin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên số ca mắc và tử vong rất có thể sẽ còn tăng cao.

Tính đến thời điểm này dịch đã diễn biến tới tuần thứ 41 và dịch bệnh vẫn duy trì ở mức trên 2.000 ca mắc mới/tuần và tuần nào cũng có trường hợp tử vong. Dư luận đang mong chờ một hành động quyết liệt từ Bộ Y tế để người thân, con em trong gia đình họ không phải chịu cái chết oan uổng từ căn bệnh này.

Chần chừ công bố dịch đến bao giờ?

Dịch TCM đang nóng hôi hổi khiến dư luận nhớ đến thời kỳ dịch bệnh hô hấp cấp (dịch SARS) hoành hành hơn 8 năm về trước. Nhưng khi đó, ngành y tế đã nhanh chóng công khai dịch bệnh để tập trung đầu tư nguồn lực dập dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó cho rằng: "Dù có phải trả giá về kinh tế, du lịch thì cũng phải thực hiện việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân". Kết quả, chỉ sau khoảng 2 tháng công bố dịch, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được dịch SARS.

Liên tiếp trong nhiều số báo, NTNN đã đặt vấn đề "vì sao dịch lan rộng, diễn biến phức tạp mà các tỉnh vẫn không công bố dịch?". Cho tới thời điểm này, khi nhắc lại câu hỏi với Cục Y tế dự phòng, đơn vị này vẫn khẳng định chưa tiến hành công bố dịch với lý do: "Địa phương chưa công bố thì Bộ cũng không thể công bố được". Phải chăng con số mắc và tử vong vì TCM nói trên vẫn “chưa đủ điều kiện” để Bộ Y tế tiến hành “báo động đỏ” dịch bệnh trên phạm vi cả nước?

TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Các địa phương tuyến xã, huyện nếu không kiểm soát và khống chế được bệnh TCM thì có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành công bố dịch tại xã, huyện đó chứ không cần “đợi” cả tỉnh đủ điều kiện mới tiến hành công bố”. Thế nhưng, nếu không có bất kỳ xã, huyện nào dám công khai dịch bệnh, chẳng lẽ Bộ cũng cứ “ngồi chờ” mặc cho số mắc và tử vong tăng cao?

Có ý kiến cho rằng, việc công bố dịch hay không công bố không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là tập trung mọi nguồn lực, lực lượng để chống dịch. Nhưng rõ ràng, các biện pháp dập dịch hiện nay chưa hiệu quả nên vẫn làm tăng số mắc và tử vong như vậy. Đã đến lúc cần có câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn, liệu ngành y tế có thờ ơ với dịch bệnh, coi thường tính mạng người dân hay đang thoái thác trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem