Loài cá quý dễ nhầm với cá basa, cá hú, ở một dòng sông nổi tiếng An Giang nhớ thời cá lội nhởn nhơ

Thứ sáu, ngày 29/03/2024 14:17 PM (GMT+7)
Mùa cá bông lau này, ngư dân An Giang ra sông Vàm Nao trong tâm thức khắc khoải nhớ những mùa cá xưa. Họ thả những mành lưới nhẹ tênh mà lòng nặng trĩu nỗi lo một mùa thất thu…
Bình luận 0

Cá bông lau thuộc loài cá da trơn nhưng thịt sạch ngon, nên giá khá cao. Lúc cao điểm, tại chợ An Giang, một cân cá bông lau có giá hơn 400.000 đồng. 

Chúng xuất hiện ở các dòng sông miền tây, nhưng dòng sông Vàm Nao chảy qua các xã Bình Thủy (huyện Châu Phú), Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) và Tân Trung (huyện Phú Tân) của tỉnh An Giang mới là "hang ổ". 

Đây cũng là nơi có hàng trăm hộ săn loài cá đắt đỏ, chiếm số lượng tay lưới cao nhất so với các vùng khác.

Nỗi buồn xóm cá

Cá xuất hiện từ tháng 12 cho đến tháng 4 năm sau, nhưng tháng 2 âm lịch luồng cá ồ ạt nên đây là thời điểm khai thác tất bật. 

Những năm trước, ai từng đến Vàm Nao trải nghiệm sẽ hiểu thế nào là "ổ cá". Cá đi nhiều về đêm nên trời vừa chạng vạng, xuồng ghe đổ xô ra bến cá (nơi tập trung đánh cá) để "giành tài nhất".

Ai đến trước thả trước, ai đến sau chờ tới lượt, đó là quy luật của vùng sông nước này. 

Cá mắc lưới một con cân nặng từ 5 đến 10 kg, với giá cá bán tại chỗ hơn 150.000 đồng/kg. Một đêm may mắn, ngư dân có thể cầm bạc triệu trong tay. 

Một mùa trúng đậm mẻ cá giúp ngư dân có dư vài chục triệu xài tiết kiệm đến hết năm.

Khúc sông về đêm, tàu ghe qua lại nhiều, trong khi hàng trăm tay lưới giăng như mắc cửi, ngư dân phải thả giàn đèn tại chỗ neo lưới để báo hiệu cho các phương tiện đường thủy tránh. 

Khi đó, cả đoạn sông lấp lánh như đêm hội hoa đăng, lưới vừa kéo lên đã có thương lái chạy ghe tới hỏi, có cá là mua liền.

Loài cá quý dễ nhầm với cá basa, cá hú, ở một dòng sông nổi tiếng An Giang nhớ thời cá lội nhởn nhơ- Ảnh 2.

Ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) được xem là "rốn cá" bông lau nhưng bây giờ im ắng. Xóm cá không còn cảnh phụ nữ ngồi đan gấp gáp mành lưới rách cho cánh đàn ông kịp mang đi, không còn cảnh lăng xăng luộc cặp vịt cúng xin "bà cậu" phù hộ cho trúng cá. 

Đó là chuyện ngày xưa. Còn lúc này, về bến cá xã Bình Thủy, Mỹ Hội Đông, người ta chỉ thấy thưa thớt bóng xuồng đậu chờ tài.

Giải thích chuyện này, giọng ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ xã Mỹ Hội Đông buồn buồn: "Mỗi mùa cá, số lượng giảm dần, còn các năm 2022, 2023 bắt không được bao nhiêu.

Từ Tết đến nay thả lưới, nhưng một tuần may lắm chỉ kiếm được 2, 3 con nên tôi cũng tạm nghỉ. Nhiều người nản lòng kiếm nghề khác làm bởi không có cá thì sao có tiền".

Chiều xuống, không còn xuồng ghe tranh nhau ra bến, chỉ còn vài chiếc xuồng thả lưới, mỗi lần thả hơn ba tiếng mới kéo lên. Người ít, đợt thả lưới sẽ tăng hơn.

Càng về đêm gió sông càng lạnh, những bóng đèn lẻ loi từ các giàn lưới tỏa ánh sáng lờ mờ. Dòng sông chìm trong bóng đêm, không còn tiếng hát hò giết thời gian chờ kéo lưới. Những mành lưới kéo lên trống không, lại vội vàng thả lưới chìm lại xuống nước với bao thấp thỏm. 

Ngày xưa, cá nhiều nên dù có gặp mưa to gió lớn vẫn đông người đón luồng cá, còn bây giờ mưa thì vắng ngắt.

Vì sao cá giảm? Các lão ngư cho rằng do đánh bắt bằng xuyệt điện, cào điện bừa bãi đã hủy diệt nguồn cá. 

Rồi thêm mùa nước nổi lúc thấp lúc cao, lúc về sớm về muộn tác động chung đến các loài thủy sản tự nhiên. Nỗi buồn ngấm dần theo từng mùa cá đã thay đổi tâm tính ngư dân. 

Lúc trước, dân "hạ bạc" như anh Trương Văn An sôi nổi khoe mối lái điện trước dặn anh chừa cá, ai bắt được nhiều cá… Nhưng bây giờ, hỏi thì nhận được câu trả lời lấp lửng, cụt ngủn "sắp bỏ nghề".

Nhớ thời cá lội nhởn nhơ

Hơn 40 năm gắn với nghề "hạ bạc", ông Phạm Văn Hổ, nhà bên ấp Vàm Nao nuôi được bầy con, tích lũy mua được mớ đất cồn làm rẫy. 

Câu chuyện đưa ông Hổ trở về ký ức xưa, lúc ông còn nhỏ, ban ngày ra sông thấy cá bông lau nổi lên bầy bầy, bơi quẫy lội xôn xao mặt nước. Cá có đốm vàng trên lưng và đuôi, gặp ánh nắng trời lấp loáng. Lúc cá rộ cũng là lúc ven sông cỏ lau mọc ngút mắt nên người dân gọi tên cá bông lau.

Chỉ ra vùng đất bãi bồi, ông Hổ thở dài, ngày xưa cỏ lau nhiều lắm nhưng bây giờ tấc đất tấc vàng, cỏ lau nhường chỗ cho hoa màu, nghề nuôi thủy sản. Như số phận loài cá được mệnh danh "đệ nhất cá da trơn" đang sụt giảm, từ năm 2000 về sau hiếm thấy cảnh ban ngày cá nổi thành đàn.

Còn hơn 20 năm trước, nhiều người bỏ ruộng rẫy đi đánh cá vì một đêm kiếm được nhiều cá bán có tiền xài. Trong bốn tháng, đánh bắt tích lũy hàng chục triệu đồng lời cao so với làm ruộng, rẫy. 

Những ngư ông giỏi như ông Hổ nhìn con nước, luồng gió mà biết cá đi nhiều hay ít và đi tầng nổi hay tầng đáy. 

Chẳng hạn, nhìn biết lượng khí ô-xy trong nước nhiều hay không để thả lưới. Nếu ô-xy trong nước xuống thấp thì thả "lưới đèn" để đón luồng cá thiếu khí thở phải bơi nổi lên để thở. Còn ô-xy hơi thấp thì thả "lưới lửng" đón bầy cá bơi lơ lửng tầng giữa sông, khí ô-xy nhiều thì thả "lưới lết" xuống tận đáy vì lúc này cá bơi sát đáy...

Nhưng từ năm 2016 về sau, người giỏi nhìn con nước không còn tự tin phán đoán cá nhiều hay ít bởi luồng cá quá bất thường. 

Kéo theo đó, những người hơn nửa đời gắn bó như ông Đựng, ông Thu, ông Thanh, ông Hổ... treo lưới tìm kế khác sinh nhai. Con cá từng nuôi sống hàng trăm hộ dân nay chỉ còn lác đác vài hộ ngày đi bắt, ngày không.

Ông Hổ nói, chúng rất bí ẩn, không biết đến từ đâu và đi về đâu, sinh sản thế nào và vì sao lại chọn Vàm Nao trú ẩn? Dân sông nước ăn vô số cá nước ngọt nhưng chưa bao giờ thấy cá bông lau có trứng như cá hú, cá vồ đém, cá lăng…

Ông cùng người có thâm niên với nghề dự đoán, cá bông lau cũng như cá tra sông, vào mùa nước nổi, trứng cá trôi xuống vùng hạ lưu nở thành cá con và sau đó chúng bơi ngược dòng đến Vàm Nao thì đã lớn. 

Sông có nhiều đoạn sâu, hang hốc nên chúng trú ẩn. Khi gần ôm trứng, chúng di cư về thượng nguồn để đẻ. Chu trình sinh sản này giống như cá tra tự nhiên, do đó chưa ai bắt được cá bông lau, cá tra có trứng.

Khi xưa, dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu giăng lưới mùng bắt được cá tra con nhỏ hơn đầu đũa trong mùa nước nổi mở đầu cho nghề nuôi cá tra trong ao hầm. 

Nhưng lúc đó chưa ương ép được cá tra nhân tạo như bây giờ nên nguồn cá con thiếu trầm trọng.

Đến năm 2000, khi kỹ sư Philippe Caco người Pháp hợp tác với các kỹ sư tại thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang ương ép thành công cá tra thì tình trạng khan hiếm cá bột mới chấm dứt.

Với cá bông lau, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ tại huyện Cái Bè, Tiền Giang đã nghiên cứu thành công ương ép cá nhân tạo. 

Tại An Giang, nhiều người đã nuôi chúng nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, 1 kg cá nuôi bán tại chợ khoảng 170.000 đến 200.000 đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng từng là chuyên viên chuyên trách du lịch của Trung tâm Du lịch nông dân tỉnh An Giang, thuộc Hội Nông dân An Giang cho biết, trước đó, trung tâm đã khai thác sông Vàm Nao làm du lịch. 

Trung tâm kết hợp mùa cá bông lau đưa du khách đến đây trải nghiệm ngắm cảnh sông, cùng ngư dân đánh bắt và chế biến cá theo khẩu vị miệt vườn…

Ông Tùng chia sẻ, con cá bông lau gắn liền với vùng Vàm Nao, nói đến cá ai cũng nghĩ đến miệt này. Các vùng hạ lưu sông Hậu, sông Tiền bắt cá nhưng đa phần một con cân nặng từ 2-3 kg, trong khi đó cá Vàm Nao từ 5 kg trở lên. 

Vì thế, nếu mai sau vùng xóm cá bông lau không còn, sẽ thật đáng tiếc cho một làng nghề từng nổi danh vùng châu thổ.

Trong các đợt thả cá xuống sông tái tạo nguồn cá tự nhiên, tỉnh An Giang cũng có thả cá bông lau. Như thế cá thiên nhiên không biến mất nhưng lượng cá từng năm sẽ khó lường cũng như cuộc sống của đời "hạ bạc" nổi trôi theo từng mùa cá.

Thanh Dũng (Báo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem