Cá kho làng Vũ Đại-đặc sản Bắc bộ trên đất phố núi Gia Lai

Hoàng Lộc Chủ nhật, ngày 22/01/2023 18:45 PM (GMT+7)
Cá kho làng Vũ Đại từ lâu trở thành một món ăn truyền thống của vùng đất Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Và ngay tại tỉnh Gia Lai, người dân cũng có thể thưởng món ăn này do người con của chính vùng đất ấy chế biến.
Bình luận 0

Những ngày giáp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến món cá kho Vũ Đại của chị Nguyễn Thị Hoạt (43 tuổi, trú tại hẻm 279/14 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Bước vào đầu hẻm, chúng tôi đã thấy nghi ngút khói, mùi cá kho thơm nức phảng phất.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc chế biến món cá kho làng Vũ Đại. chị Hoạt kể, bản thân sinh ra và lớn lên tại làng Đại Hoàng (xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Năm 2010, cả gia đình chị vào tỉnh Gia Lai lập nghiệp.

Cá kho làng Vũ Đại trên đất phố núi - Ảnh 1.

Chị Hoạt chuẩn bị nồi cá để kho. Ảnh: H.L

Ở vùng đất mới, hai vợ chồng chị làm thuê để nghề để có tiền trang trải cuộc sống nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, vợ chồng chị đã quyết định phát triển món cá kho làng Vũ Đại tại tỉnh Gia Lai.

"Cá kho làng Vũ Đại là món ăn truyền thống của quê hương tôi. Đặc biệt vào dịp Tết, nhà nào ở quê cũng phải tự tay hầm những nồi cá kho để mời bạn bè, họ hàng thưởng thức. Ngay từ nhỏ, tôi cũng đã được bố mẹ truyền lại bí quyết để kho cá thật ngon. Đến khi vào Gia Lai, tôi không thể nào quên được món ăn này nên thường xuyên chế biến cho gia đình thưởng thức", chị Hoạt chia sẻ.

Cá kho làng Vũ Đại trên đất phố núi - Ảnh 2.

Cá sau khi được ướp với các gia vị và chuẩn bị lên bếp để kho. Ảnh: H.L

Ban đầu, chị Hoạt chỉ kho vài nồi cá để biếu người thân, bạn bè ăn thử. Kết quả, mọi người khen món ăn ngon, gia vị đậm đà. Tiếng lành đồn xa, nhiều người cũng đặt mua nồi cá kho của anh chị, nhất là vào dịp Tết nguyên đán

Chia sẻ về bí quyết để có nồi cá kho thơm ngon, chị Hoạt cho hay, việc quan trọng đầu tiên là ở khâu chọn cá. Cá ngon phải là cá trắm cỏ tự nhiên hoặc cá trắm đen từ 4-6kg trở lên và tươi rói, chắc thịt. Cá sau khi mua về phải làm sạch, khử mùi tanh, sau đó để ráo rồi đem ướp với các loại gia vị như riềng, gừng, hành, ớt, nước mắm, nước cốt cua, thịt ba chỉ…và một số gia vị cổ truyền. Khi đã ướp xong thì xếp cá vào trong niêu đất và kho trên bếp.

Cá kho làng Vũ Đại trên đất phố núi - Ảnh 3.

Cá được kho liên tục từ 13-14 tiếng đồng hồ. Ảnh: H.L

"Cá được kho liên tục từ 13-14 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, người kho phải túc trực để chỉnh mức nhiệt theo to nhỏ từng gia đoạn khác nhau và tiếp thêm nước dùng để cá bị không bị cháy. Một niêu cá kho thành phẩm là khi cá đảm bảo nhừ hết xương, thịt cá chắc, không còn mùi tanh và gia vị thấm đều, thơm ngon", chị Hoạt bật mí.

Hiện mức giá của từng niêu cá kho dao động tùy vào cân nặng của con cá, trung bình khoảng 350 ngàn đồng/niêu - 1 triệu đồng/niêu, có loại đặc biệt giá lên đến 1,5 triệu đồng/niêu. Cá kho có thể sử dụng trong khoảng 7-10 ngày khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Cá kho làng Vũ Đại trên đất phố núi - Ảnh 4.

Niêu cá kho làng Vũ Đại thành phẩm. Ảnh: H.L

Chị Hoạt cho hay, món cá kho làng Vũ Đại được gia đình chị chế biến quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào dịp Tết nguyên đán. Vào thời gian này, cơ sở của chị bán được hàng trăm niêu cá kho. Món cá này không chỉ tiêu thụ tại tỉnh Gia Lai mà còn vận chuyển đi các tỉnh thành khác trong cả nước như Đắk Lắk, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Định, Bình Dương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem