Cà Mau: Ra biển "xây nhà cho cá" nghe lạ tai khi hiểu ra ai cũng gật đầu ủng hộ

Chủ nhật, ngày 04/04/2021 06:31 AM (GMT+7)
Để khôi phục và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng ở tỉnh Cà Mau đang triển khai mô hình xây dựng “ngôi nhà” cho cá ở dưới biển.
Bình luận 0

Những năm gần đây, ngư trường vùng biển Tây Nam bị đánh bắt quá mức dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng.

Để khôi phục và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng ở Cà Mau đang triển khai mô hình xây dựng “ngôi nhà” cho cá ở dưới biển.

Cà Mau: Ra biển "xây nhà cho cá" nghe lạ hiểu ra ai cũng gật đầu ngay - Ảnh 1.

Thả rạn san hô nhân tạo xuống biển nhằm xây “ngôi nhà” cho cá ở vùng biển tỉnh Cà Mau.

Chính vì vậy, để khôi phục và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng ở Cà Mau đang triển khai mô hình xây dựng “ngôi nhà” cho cá ở dưới biển.

Cá biển hồi sinh

Tại các cửa biển lớn ven biển Tây Nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau như Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh)… có không ít tàu cá nằm bờ thời gian dài, do đánh bắt không hiệu quả bởi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Đáng lo ngại là nhiều nơi vẫn còn tồn tại phương tiện, ngành nghề đánh bắt mang tính hủy diệt.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, nguồn lợi hải sản không chỉ suy giảm tuyến bờ mà còn cả các tuyến ngoài khơi. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để khôi phục như chuyển đổi tàu, chuyển đổi nghề, thả con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tháng 9-2020, tỉnh Cà Mau triển khai dự án thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển. 

Dự án có tổng mức đầu tư trên 7,7 tỷ đồng. Mục đích nhằm chống sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là suy giảm sản lượng cá do khai thác quá mức. 

Cụ thể, triển khai xây dựng “ngôi nhà” cho cá bằng cách thả 500 khối rạn (bê tông) xuống khu vực biển Tây của tỉnh (cách hòn Đá Bạc 14km); khối rạn hình lập phương, kích thước 1,5x1,5x1,5m, độ dày 17cm, được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm. Phương pháp thả rạn được thực hiện theo tài liệu hướng dẫn của các chuyên gia Thái Lan.

Sau khi xây “ngôi nhà” cho cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác nhằm cùng nhau quản lý, bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo (gọi tắt tổ quản lý rạn). Tổ có 16 thành viên là ngư dân có tàu khai thác thủy sản quanh khu vực biển thả rạn, thuộc xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).

Ông Lê Vũ Trường (Tổ phó tổ quản lý rạn, ngụ xã Khánh Bình Tây) cho biết: “Chúng tôi tích cực tham gia mô hình này, bởi ai cũng thấy được nhiều lợi ích trong việc giữ gìn “ngôi nhà” cho cá ở”. 

Theo ông Trường, hiện khắp vùng biển Tây cá thì ít nhưng tàu đánh bắt thì nhiều. Vì vậy, những năm gần đây, đánh bắt không còn hiệu quả như trước. Do đó nếu không có giải pháp bảo vệ, khôi phục lại nguồn cá thì vài năm nữa sẽ không có cá mà đánh. Khi đó, ngư dân sẽ khốn đốn hơn.

Hiện nay, các thành viên trong tổ chia ra 4 nhóm và có 8 tàu cá thay phiên canh giữ. Mỗi nhóm giữ một tuần rồi vào bờ, sau đó đến nhóm khác ra thay thế. 

“Sau khi xây ngôi nhà cho cá ở một thời gian, mấy anh em chúng tôi thấy cá kéo về nhiều lên. Chứ chừng 3 năm về trước, khi chạy ghe trên vùng biển này gần như cả ngày không thấy bầy cá nào, nay ghe đi ngang qua khu thả rạn đã thấy các bầy cá trích, cá sọc… kéo về nổi trên mặt nước, một tín hiệu đáng mừng”, ông Trường khoe.

Theo ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, khi “ngôi nhà” cho cá được xây dựng xong, định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các cơ quan chuyên môn tiến hành theo dõi sự phát triển nguồn lợi thủy sản và hiện trạng vật lý của các cụm rạn bằng phương pháp lặn đánh giá, ghi hình ảnh, phim, cùng với thu mẫu để phân tích. 

Chỉ sau vài tháng đã có sự xuất hiện khoảng 13 họ cá, gồm một số loài đặc trưng như cá bướm, cá thia, cùng với một số họ cá có giá trị như cá bóp, cá mú, cá hồng, cá đổng… Các loài cá tập trung tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng lên qua các lần lặn thu mẫu đánh giá. Đặc biệt, một số loài cá tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình mà ngư dân khai thác ngoài biển…

Vì một nghề cá bền vững

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết, các thành viên trong tổ quản lý rạn đều tham gia tích cực, với tinh thần tự nguyện, cùng đoàn kết chung tay phát huy vai trò cộng đồng nhằm bảo vệ khu vực biển thả rạn nhân tạo. 

Đồng thời hướng đến bảo tồn, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ven bờ, giữ gìn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật biển. Với phương châm hoạt động vì một nghề cá bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Hạnh, từ khi thực hiện dự án thả rạn nhân tạo thì những “hung thần” sát hại nguồn lợi thủy sản ven bờ như cào bay không dám vào hoạt động. 

Bởi nếu cào bay đi vào vùng này sẽ gặp phải “căn nhà” của cá, miệng cào không thể kéo được vì bị các khối bê tông cản trở. Không những thế, họ còn gặp phải sự truy cản quyết liệt của các tàu cá trong tổ quản lý rạn.

Theo ông Đỗ Chí Sĩ, dù thời gian xây “ngôi nhà” cho cá ở chưa lâu, nhưng có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy ở các vùng thả rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Thêm vấn đề quan trọng là ý thức cao của các thành viên trong tổ quản lý rạn, việc định hướng khai thác bền vững được nâng lên rõ rệt, qua đó đã tác động đến tập quán khai thác thủy sản của người dân ở địa phương trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững.



Tấn Thái (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem