Cà Mau: Vì sao dân phản ứng việc đập cầu cao, xây cầu thấp, gửi cả đơn lên UBND tỉnh?
Cà Mau: Vì sao dân phản ứng việc đập cầu cao, xây cầu thấp, gửi cả đơn lên UBND tỉnh?
Hoàng Hạnh
Thứ sáu, ngày 21/08/2020 15:21 PM (GMT+7)
Chính quyền TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cầu giao thông nông thôn bắc qua kênh Rạch Rập ở xã Lý Văn Lâm có độ cao thông thuyền 1,5m, nhưng bị người dân phản ứng vì cho là cản trở giao thông.
Nhiều người dân ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) gửi đơn đến UBND tỉnh Cà Mau phản ứng việc chính quyền thành phố xây dựng cầu bắc qua kênh Rạch Rập nối với Đình Tân Hưng, nhưng độ cao thông thuyền chỉ 1,5m khiến tàu thuyền có công suất lớn của bà con chuyên kinh doanh lúa gạo, vật liệu xây dựng..., không thể đi lại được.
Ông Dư Minh Hoàng là một trong những hộ dân kinh doanh lúa gạo ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết, toàn tuyến kênh Rạch Rập dài khoảng 5km, trước đây có 7 cây cầu giao thông nông thôn; trong đó có 6 cây có độ cao thông thuyền là 2,5m, một cây có độ cao 2m, đảm bảo việc lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền của bà con từ xưa đến nay.
Vài tháng trước, chính quyền địa phương cho thi công lại cầu bắc qua kênh Rạch Rập nối Đình Tân Hưng để ô tô có thể qua lại được (trước đây chỉ phục vụ xe gắn máy – PV), nhưng độ cao thông thuyền của cầu xây mới chỉ có 1,5m.
"Do đặc thù ngành nghề kinh doanh, nên ghe tàu của chúng tôi có tải trọng từ 15 tấn trở lên, với độ cao thông thuyền này thì phương tiện của chúng tôi không thể hoạt động được", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng và nhiều hộ dân khác, trước khi đập cầu cũ, xây cầu mới, xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) không tổ chức họp dân lấy ý kiến bà con, đến khi bị người dân phản ứng thì chính quyền mới mời dân đến để giải thích.
Tại cuộc họp dân chiều hôm qua (20/8) Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Nguyễn Hạnh Phúc giải thích với người dân rằng, độ cao thông thuyền của cây cầu nói trên là 1,5m, thì độ dốc mới an toàn cho dân đi lại đường bộ, đảm bảo vẻ mỹ quan và có lợi chung cho dân...Ông Phúc cũng cho rằng, trong tương lai sẽ giảm vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.
Tuy nhiên, cách lý giải của người đứng đầu chính quyền xã Lý Văn Lâm sau đó bị người dân dự họp phản ứng gay gắt. Ông Mã Bá Trinh - chủ các nhà máy sấy, xay xát lúa gạo hoạt động hơn 40 năm qua cho biết, cơ sở của ông đang tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động. Nếu cầu thấp vậy thì nguy cơ nhà máy không thể hoạt động được, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh của gia đình, và khả năng làm mất sinh kế của nhiều lao động đang làm việc tại nhà máy.
"Ghe tải trọng 15 tấn thì độ cao đã 1,9m rồi, trong khi cầu chỉ cao 1,5m thì làm sao phương tiện chúng tôi qua lại được", ông Trinh đặt vấn đề trong bức xúc.
Cuối cuộc họp, các hộ dân thống nhất đề xuất nâng cây cầu Tân Hưng, bắc qua kênh Rạch Rập phải đảm bảo độ thông thuyền 2m trở lên. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch xã Lý Văn Lâm, ghi nhận và hứa sẽ báo cáo cho lãnh đạo UBND TP Cà Mau xem xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, đại diện chủ đầu tư cho biết, trước đây cầu cũ đi bộ cao hơn 2m, nhưng hiện nay hệ thống cầu này sẽ được hạ đều xuống còn 1,5 m, nếu ghe tàu lớn muốn qua cầu mới thì chờ nước hạ xuống rồi đi bình thường.
"Nếu xây cầu mới có độ cao thông thuyền trên 2m thì ô tô không thể qua được, vì trong tương lai giao thông nội ô phục vụ cho ô tô đi lại là chính", đại diện chủ đầu tư nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.