Trồng cây sở ép ra dầu ăn không béo, có tiền tìm mua cũng khó
Cao Bằng: Trồng cây lạ, ép ra thứ dầu ăn mà không béo, có tiền tìm mua cũng khó
Chiến Hoàng
Thứ hai, ngày 22/02/2021 13:07 PM (GMT+7)
Ngoài phát triển các cây trồng thế mạnh như hồi, quế, sa mộc...người dân xã biên giới Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) còn trồng cây sở, lấy hạt ép dầu. Trước đây, chỉ người nghèo mới ăn dầu sở, nhưng nay, dù có tiền cũng "săn" cả tháng trời may ra mới kiếm được thứ dầu ăn không béo này.
CLIP: Trồng cây sở, lấy hạt sở ép ra thứ dầu ăn không béo ở xã biên giới Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) giúp người dân có thêm thu nhập.
Dẫn chúng tôi vào thôn Nà Luông (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) anh Hoàng Văn Kháng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã bảo, dầu sở có độ thơm, ngậy, giàu dinh dưỡng và đặc biệt không gây béo nên rất được ưa chuộng. Ở đây, dầu sở giờ chủ yếu dùng để làm quà, khó mua lắm vì diện tích cây sở trong xã không nhiều.
Tại nhà Bí thư thôn Nà Luông, khi chúng tôi đến, ông Lưu Văn Hẻn đang cặm cụi tãi hạt sở ra phơi. Thấy có khách, ông rời sân phơi và rót nước mời, trên tay vẫn cầm nắm hạt sở to chừng hạt dẻ ta. Ông bảo, nhiều người đặt mua dầu sở quá mà hạt không đủ để ép dầu.
Đối diện với với nhà ông Hẻn là rừng với bạt ngàn cây hồi, cây sa mộc. Xen kẽ trong đó là những cây sở trưởng thành vừa cho lứa hạt cuối vụ, trên cành vẫn còn lác đác nở bông, trắng muốt tinh khôi. Gió xuân thổi dọc cánh rừng, những hạt sở tóc tách theo gió rụng tràn dưới gốc.
Theo ông Hẻn, thu hoạch hạt sở khá dễ vì cây sở không cao, chỉ tầm với tay người lớn. Thêm nữa, vào mùa thu hoạch, thường có gió nên hạt sở già cũng theo gió mà rụng, chỉ việc nhặt cho vào túi nải mang về.
"Cây sở dễ trồng, ngoài vun gốc, không cần vào phân, sâu bệnh cũng hầu như không có. Hoa sở bắt đầu nở từ tháng 12, khoảng một năm quả mới thu hoạch được. Cây sở chỉ phù hợp trồng ở núi cao, 4 năm đã cho quả", ông Hẻn nói.
Ông Hẻn kể, xưa dầu sở chỉ người nghèo không có tiền mua mỡ mới dùng, còn giờ, muốn ăn cũng thật khó. Làm dầu sở không khó, nhưng để đạt được lượng dầu mong muốn cũng cần chú ý khá nhiều, từ việc phơi hạt đến rang hạt, làm sao cho vừa độ để có thể thu được nhiều dầu nhất, đạt độ thơm nhất.
Ông Hẻn cho biết thêm, diện tích cây sở tại thôn Nà Luông hiện chỉ có khoảng hơn 30ha. Trong thôn, hầu như nhà nào cũng trồng cây sở, tuy nhiên diện tích không nhiều vì các hộ còn trồng thêm các loại cây có hiệu quả kinh tế cao khác, điển hình là cây hồi. Cây sở ngoài việc lấy hạt ép làm dầu ăn còn có rất nhiều công dụng như làm thuốc, vỏ làm phân bón…
Bà Hà Thị Mận (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) - người thường "săn" dầu sở, cho biết: "Chúng tôi phải đi gom dầu sở khắp nơi mà vẫn không đủ hàng cho khách. Vì thường bà con ép được ít nào đều để nhà dùng hoặc làm quà. Dầu sở tuy có mùi hơi hắc nhưng lại rất được khách hàng ưa chuộng vì nghe nói có thể giảm cân, chống béo phì rất tốt".
Theo bà Mận, diện tích cây sở tại một số địa phương của tỉnh Cao Bằng hầu như không được mở rộng. Do đó, việc "săn" dầu sở lại càng trở nên khó khăn hơn.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Chu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết, địa phương hiện đang có 136ha cây sở được người dân trồng để lấy hạt ép dầu. Ngoài những cây có giá trị kinh tế như sắn, hồi… cây sở cũng là loài cây góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân ở vùng biên viễn này.
"Giá dầu sở khá ổn định, do dầu được ép từ hạt sở giàu dinh dưỡng, không gây béo phì nên gần đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngay như tôi, hiện nay đang có người nhà nhờ mua 50 lít làm quà mà tìm mãi chưa có. Dầu sở bán tại Cao Bằng hiện nay có giá 370.000 đồng loại chai pepsi", Bí thư Đảng ủy xã Cốc Pàng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.