Các đạo diễn nói gì về mức xử phạt thỏa đáng việc tiết lộ bí mật đời tư, kích động bạo lực trên phim?

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 05/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Đạo diễn Đinh Thái Thụy phim "Bão ngầm" và đạo diễn Dũng Nghệ phim "Hồ sơ tội ác" chia sẻ với Dân Việt ý kiến, quan điểm xoay quanh quy định xử phạt đối với một số hành vi trong hoạt động điện ảnh.
Bình luận 0

Chính phủ ban hành Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa quy định mức phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Nghị định 128/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 15/2/2023.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động điện ảnh: Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Các đạo diễn nói gì về mức xử phạt việc tiết lộ bí mật đời tư và kích động bạo lực trên phim - Ảnh 1.

Đạo diễn Đinh Thái Thụy. Ảnh: NVCC

Xử phạt thỏa đáng khi tác phẩm chỉ đích danh người thực, việc thực

Chia sẻ ý kiến cá nhân với Dân Việt về nội dung của Nghị định 128/2022/NĐ-CP, đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết: "Nội dung phim ảnh được nhà biên kịch, đạo diễn hư cấu từ những chất liệu có thật trong đời sống, xã hội, thậm chí từ những sự vụ mang tính chất thời sự. Điều này tạo sự chân thực, gần gũi, dễ tiếp cận người xem. Vì vậy, việc xử phạt người tiết lộ bí mật thông tin của người khác trong hoạt động phim ảnh theo tôi sẽ là thoả đáng khi tác phẩm đó chỉ đích danh người thực, việc thực mà chưa được sự đồng ý của người đó hoặc trái với quy định pháp luật, vi phạm những điều khoản đã nêu trong Luật Điện ảnh".

Đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng: "Tôi thấy quy định này khá rõ ràng, chi tiết. Đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các nhà làm điện ảnh tham vấn khi sáng tác những phim khai thác đề tài có liên quan đến chân dung và tiểu sử của một nhân vật có thật nào đó. Tuy nhiên, dưới góc độ sáng tạo thì người nghệ sĩ có nhiều cách để phác họa chân dung một nhân vật có thật nào đó dưới góc nhìn của mình mà vẫn lách được luật. Quan điểm thẩm mỹ và ý đồ nghệ thuật của người sáng tạo điện ảnh vẫn mang tính cốt lõi nhất".

Cảnh bạo lực phải phục vụ cho nội dung phim một cách hiệu quả

Nghị định 128/2022/NĐ-CP còn bao gồm nội dung liên quan đến việc xử phạt hành vi điện ảnh có nội dung kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa.

Nêu quan điểm về nội dung này, đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết: "Tôi nghĩ những quy định trên là rất rõ ràng, cả người làm phim và người kiểm duyệt đều hiểu đúng, làm đúng, không cố tình xoáy vào tiêu cực, không quy chụp, áp đặt thì sẽ không có trở ngại gì. Tất cả những cảnh bạo lực, cảnh nóng, kể cả những cảnh có nội dung tiêu cực… Nếu biên kịch và đạo diễn dùng nó để phê phán, lên án hành vi xấu, tâm địa ác, tư tưởng phiến diện, lệch lạc và bên cạnh đó tôn vinh hình tượng tốt, chính nghĩa thì hoàn toàn bình thường.

Bởi đây là một trong rất nhiều thủ pháp cơ bản trong cách kể chuyện phim ảnh. Mỗi một bộ phim, thể loại, đề tài khai thác đều có những thủ pháp riêng trong cách kể chuyện nhằm tạo đối kháng, kịch tính giữa phản diện với chính diện, đúng và sai, tốt và xấu, hấp dẫn khán giả xem phim. Sẽ không thể có được một bộ phim hay nếu chỉ xây dựng theo tư tưởng một chiều, phiến diện, phi thực tế".

Nói về việc nhà làm phim có gặp khó khăn khi làm phim hành động, hình sự với nội dung trên của Nghị định 128/2022/NĐ-CP hay không, đạo diễn phim Bão ngầm cho biết: "Khi làm phim gặp những trường hợp này, tôi và các cộng sự sẽ phải nghiên cứu kỹ kịch bản, để có thể khai thác cả hai mặt tiêu cực và tích cực hài hòa trong phim. Và tất nhiên, tất cả đều hướng đến mục đích chính: thông điệp tích cực của bộ phim đến với khán giả".

Chia sẻ về trải nghiệm từng phải cắt bỏ hay kiểm duyệt các hình ảnh có yếu tố bạo lực trong phim của mình, nam đạo diễn cho biết: "Tôi đã từng làm khá nhiều phim về đề tài chính luận, trải qua nhiều cấp kiểm duyệt, cũng từng gặp vài ý kiến quy chụp, yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ kiểu vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít, thường sẽ được tranh luận công tâm trước một hội đồng thẩm định chuyên nghiệp".

Các đạo diễn nói gì về mức xử phạt việc tiết lộ bí mật đời tư và kích động bạo lực trên phim - Ảnh 2.

Đạo diễn Dũng Nghệ. Ảnh: NVCC

Cùng vấn đề này, đạo diễn phim Hồ sơ tội ác chia sẻ với Dân Việt: "Nội dung điều khoản này đã quy định khá rõ ràng. Luật không cấm phim khai thác và thể hiện những cảnh bạo lực, nhưng phải phục vụ cho nội dung một cách hiệu quả, hướng đến những giá trị nghệ thuật nhân văn, chân chính, hướng thiện... Điều này giúp các nhà làm phim không tự gò bó, tránh né, tự kiểm duyệt mình như trước nữa. Tuy nhiên, thế nào là "chi tiết" thì luật không nói rõ nên anh em vẫn có thể sáng tác được. Và việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ bị cơ quan chức năng "thổi còi" bất cứ lúc nào. Đó là điều thực tế sẽ xảy ra khi luật mới đi vào thực tế sản xuất".

Mức xử phạt 40 - 50 triệu đồng chưa đủ để răn đe

Về quy định về mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, đạo diễn Dũng Nghệ cho biết: "Về mức phạt, tôi nghĩ sẽ sớm lạc hậu. Vì thực tế số tiền phạt đó không quá lớn, chưa đủ mức răn đe. Thực tế nhiều nhà sản xuất có thể thu về lợi nhuận cao hơn mức phải nộp phạt rất nhiều. Nếu muốn hiệu quả thì tôi nghĩ cần phải rút giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề, "cấm sóng" những cá nhân và tổ chức cố tình vi phạm".

Đạo diễn Đinh Thái Thụy lại cho rằng: "Mức xử phạt bằng một khoản tiền nhiều hay ít cũng chỉ mang tính chế tài. Một sản phẩm thực sự độc hại, có khi hệ quả của nó ảnh hưởng nặng nề đến danh dự, sự nghiệp của một cá nhân, tập thể, hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của cả một thế hệ trẻ. Những thiệt hại đó là không thể đo lường.

Và tất nhiên, để trường hợp này không xảy ra thì những người sáng tác, hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh cũng cần nắm bắt được những điều luật cụ thể về những việc mình không thể làm. Từ đó, họ có cơ sở, tự tin hành nghề".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem