Cách lách luật, đưa đá từ Cao nguyên đá Đồng Văn ra “chợ đen”
Cách lách luật, đưa đá từ Cao nguyên đá Đồng Văn ra “chợ đen” (Bài 2)
Nhóm Phóng viên
Thứ năm, ngày 13/04/2023 06:22 AM (GMT+7)
Nhóm phóng viên đã tiếp cận những người sẵn sàng chào mời, buôn bán đá từ Cao nguyên đá Đồng Văn thông qua dự án nắn cua, mở đường hay đơn giản hơn là lấy lý do san gạt nền nhà!
Ngược quốc lộ 4C từ trung tâm tỉnh lỵ về phía địa phận huyện Đồng Văn, dọc đường nhóm phóng viên chứng kiến nhiều điểm máy xúc lắp búa phá đá đang đập rầm rĩ, đinh tai nhức óc vào các khối đá lớn hàng trăm triệu năm tuổi của Công viên địa chất toàn cầu.
Việc phá đá diễn ra dọc tuyến đường liên xã từ Sảng Tủng, Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn sang phía Hố Quáng Phìn thuộc huyện Đồng Văn khiến cảnh đẹp hai bên tuyến đường nham nhở, tan nát, sứt sẹo và xấu xí.
Đáng báo động và đau đớn nhất là ở thôn Quán Dín Ngài, giữa thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, một điểm tham quan du lịch sầm uất của Công viên địa chất, khi lưu thông trên quốc lộ nhìn thấy rõ "vết thương" trắng xóa hiện ra giữa vùng đá xám đen rộng lớn.
Tại đây, xuất hiện một điểm khai thác đá trái phép rộng hàng nghìn mét vuông, hoạt động phá đá đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng chính quyền địa phương và đơn vị quản lý Công viên vào cuộc xử lý chưa triệt để, chưa hiệu quả.
Chúng tôi chứng kiến máy xúc đang xúc từng gầu đá lên xe tải (thùng xe có sức chứa 5 đến 7m3 khối đá hộc) khiến cả một vùng rộng lớn trắng xóa bụi đá. Người đàn ông tự xưng tên là Quảng xuất hiện khi thấy người lạ đến khu vực. Điều kỳ lạ là, Quảng nhận luôn hoạt động của mình là khai thác đá trái phép.
Quảng khẳng định với chúng tôi: "Mọi hoạt động đều trái phép, không phải công ty hay đơn vị nào được phép khai thác ở điểm này đâu! Khối lượng đá đã khai thác được khoảng 3.000m3, mỗi khối đá hộc bán giá từ 160.000 đồng đến 170.000 đồng".
Ông Quảng tiếp tục thông tin cho nhóm phóng viên – đang vào vai người có nhu cầu mua đá để thi công công trình – rằng: "Ở đây hiện tại đang có khoảng 3.000m3 đá, nếu mua, thì trong vòng một tuần công tác mua bán, vận chuyển phải xong hết!".
Ông Quảng bật mí "địa phương" chỉ cho làm đúng từng ấy ngày nữa, "Anh em ở đây tận dụng công trình nên bán gấp. Đây là đang lợi dụng công trình để lấy đá đi bán, chứ còn đá ở đây bình thường bán 200.000 đồng một khối, còn không có hàng mà bán" – người này nói.
Theo Quảng thì dự án làm đường "qua khu đất nhà mình" nên giải tán đá mới có được từng đó, có nhanh thì chiến đấu ngay và luôn". Vì hiện nay ở huyện Đồng Văn đang rất hiếm đá do cả huyện chỉ một hai công ty được cấp phép khai thác đá.
Để có được đống đá này, Quảng tiết lộ đã phải dùng rất nhiều chiêu trò. Chỉ tay vào đống đá khoảng trên 2.000 m3, Quảng nói: "Đống đá này chỉ phút mốt là chúng nó lấy đi, lấy nhanh thì được, huy động tầm khoảng 3 xe, mỗi xe có tải trọng 7 tấn về làm luôn, chứ còn quá 10 ngày thì các anh muốn lấy cũng chả lấy được. Vì tôi đã bán hết rồi".
Chúng tôi ngỏ ý lo ngại là đơn vị mới đến địa bàn hoạt động, sợ vi phạm pháp luật khi mua hàng phi pháp, Quảng tỏ ra là người hiểu chuyện: "Đây là công viên địa chất, một hòn đá di chuyển thôi cũng khó, quan trọng là phải biết lách luật. Cái này là nguyên tắc làm ăn rồi. Bây giờ ông không lách luật thì làm gì có".
Rồi Quảng hướng dẫn chúng tôi (trong tư cách "đối tác mua đá" của anh ta) cách lách luật bằng cách mua đá của một đơn vị được phép khai thác, khi có hóa đơn mua bán để làm bình phong, nếu bị ai đó kiểm tra cứ nói là mua đá của công ty được cấp phép và đang vận chuyển chính số đá đó.
Chỉ trong khoảng 30 phút có mặt tại điểm khai thác trái phép của Quảng, nhóm phóng viên chứng kiến ít nhất 4 chuyến xe tải vào chở đá hộc đi, di chuyển theo đoàn xe kia, nhóm phóng viên ghi nhận đá được chở đến một điểm sử dụng đá trái phép để kè, làm tường rào, để xây dựng khu cắm trại ngay đầu thị trấn Đồng Văn.
Người mua đá tên Đỗ Đình Thịnh cho biết, mỗi xe đá khoảng 7m3 được mua với giá 1,1 triệu đồng nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Theo Thịnh, đây là địa điểm chưa được địa phương cấp phép xây dựng, để Thịnh làm được công khai, ven quốc lộ như thế này Thịnh đã "ngồi" với lãnh đạo thị trấn Đồng Văn rất kĩ. Sau này, Thịnh đã chứng minh cho phóng viên thấy đó là sự thật.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn khẳng định: "Đã là công viên thì toàn bộ diện tích 4 huyện cao nguyên đá thuộc công viên cần bảo tồn. Những nơi làm đường, phá đá ra để được sử dụng làm vật liệu… cần phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh".
Một điểm nắn khúc cua, mở rộng Quốc lộ 4C đang được thực hiện gần khu Di tích quốc gia nhà Vương thuộc xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn).
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Thanh Long đang thi công đoạn tuyến này. Những tấm biển thông báo thời gian nổ mìn cắm ở hai đầu điểm thi công, máy khoan, máy nổ vẫn đang hoạt động, những tảng đá ngổn ngang ven đường gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại, không có biển cảnh báo nguy hiểm nào cho bà con địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước.
Điều tra của nhóm phóng viên cho thấy: đơn vị thi công đường bán đá hộc với giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng một khối. PV liên hệ qua điện thoại với một người đàn ông tên Hùng – phụ trách thi công đoạn tuyến kể trên, đặt vấn đề mua đá. Người này mời chúng tôi đến nhà ở TP Hà Giang để trao đổi trực tiếp.
Đúng giờ hẹn, trước tiên ông Hùng đặt ra hàng chục câu hỏi khó như cần đá làm gì, thi công ở đâu, ai giới thiệu, khu vực đấy quen biết ai… rồi mới "vào việc".
Ông Hùng nói: "Anh cũng đang dư thừa đá ở đấy. Khối lượng của anh có 5.000 m3 thì anh đắp mất 3.000m3rồi, còn dư có 2.000 m3 để đấy thôi. Giá 100.000 đồng một mét khối, coi như lấy tiền công xúc. Nhưng chỉ làm 15 ngày nữa là bắt buộc phải xong".
Ông Hùng không quên dặn dò: "Cái này phải hết sức khéo léo. Nói thật với em vài viên đá chả sao đâu, nhưng mà thế nọ thế kia phát là lại bảo mình bán đá. Đây anh cũng nói thật".
Thấy phóng viên trong vai người mua lưỡng lự chê giá cao, ông Hùng nói: "Cao thì hạ đi, quan trọng gì đâu.Giả sử bọn em có lấy thì bọn anh cũng chỉ đủ tiền xúc. Bán thực dụng cho dân thì cũng chỉ với giá cả nghìn khối được mấy chục triệu đồng cho quân nó cải thiện, đỡ được một tí". Rồi ông Hùng cho số điện thoại của người tên Tuân là quản lý dự án đang thi công ở Sà Phìn để liên hệ.
Những thông tin về các địa điểm khai thác, lợi dụng dự án mở đường để khai thác đã được nhóm phóng viên thông tin tới Ban quản lý Công viên địa chất toàn câu Cao nguyên đá Đồng Văn, lãnh đạo đơn vị đã tiếp nhận và cho biết sẽ đề nghị các bên liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Sau một tuần kiểm tra, Ban quản lý Công viên địa chất toàn câu Cao nguyên đá Đồng Văn thông tin rằng phát hiện khai thác đá trái phép đúng như phóng viên phản ánh.
"Đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ra văn bản chấn chỉnh, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đá trái phép trong công viên" - đại diện Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói.
Vì sao hoạt động khai thác, chế biến đá trái phép diễn ra công khai ở vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt như đã phơi bày ở trên mà chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã không có biện pháp xử lý hiệu quả, dứt điểm? Nhóm PV đã tiếp tục gặp gỡ những người "bật đèn xanh" cho việc khai thác, buôn bán đá ở cao nguyên đá Đồng Văn để xác nhận thông tin.
Còn nữa …
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam - và thứ hai ở Đông Nam Á. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Đánh giá cao giá trị của cao nguyên đá, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.