Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới (Bài 3)

Nhóm Phóng viên Thứ sáu, ngày 14/04/2023 06:42 AM (GMT+7)
Từ các tài liệu đã có, nhờ nhập vai trong giới "đá tặc", nhóm phóng viên đã được một người dẫn đến nhà ông Nguyễn Mạnh Thắng - Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn để tìm hiểu cách "trải thảm" nhằm mở xưởng nghiền đá tại địa bàn.
Bình luận 0
Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 1.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 2.

Như đã phản ánh ở các kỳ trước, tại huyện Đồng Văn có người tên Quảng và Hùng thông qua việc thi công mở đường có dấu hiệu buôn bán đá trái phép. Còn Đoàn và Thế là những người có dấu hiệu mua bán, chế biến đá trái phép; Thịnh là người sử dụng đá có nguồn gốc khai thác trái phép.

Trong quá trình làm việc, phóng viên được một số người cho biết khu vực họ khai thác thuộc sự quản lý của thị trấn Đồng Văn, để làm được như những người kể trên, phải có có cách lách. 

"Cũng phải lách luật để làm. Bây giờ nó còn không cho làm nữa đây này, nó bảo giờ có giải tán đá thì giải tán nhanh lên" - Quảng nói với phóng viên.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 1.

Đá sau khai thác được tập kết tại thôn Quán Dín Ngài, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dân Việt

Vậy "nó" trong câu chuyện trên là ai? Nhóm phóng viên liên hệ với Đỗ Đình Thịnh, người đang thuê xếp đá, san đất làm khu cắm trại ven Quốc lộ 4C. Người này cho biết: đây là khu cắm trại thứ 2 của mình ở thị trấn này, một khu khác xây dựng trái phép trên đất ruộng cũng nằm trong thị trấn. Chúng tôi trao đổi với Thịnh với vỏ bọc là những người đang được Công ty cử đi để mở rộng địa bàn thi công tại Đồng Văn, cần lượng lớn đá để kè đường giao thông, đổ bê tông.

Ban đầu, qua điện thoại, Thịnh khẳng định mình mua đá chứ không buôn đá trái phép: "Đá mình mua có chứng từ đàng hoàng". Nhưng, khi phóng viên hỏi có hóa đơn đỏ không, Thịnh đáp: "Mình mua ở ngoài không có hóa đơn" rồi đưa ra lời khuyên "nếu bạn mua số lượng lớn thì bạn thuê ở ngoài có máy xát, bạn mang về bạn xát cho nhiều, hóa đơn bọn tớ mua một nơi, lấy đá một nơi, tớ vẫn hay làm kiểu đấy".

Trò mua hóa đơn "nguỵ tạo nguồn gốc" đá phá từ Di sản thế giới Công viên địa chất Toàn cầu bắt đầu lộ diện.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 2.

Khu vực sử dụng đá được các xe tải chở từ nơi khai thác đá thuộc thôn Quán Dín Ngài, thị trấn Đồng Văn. Ảnh: Dân Việt

Thịnh không ngần ngại khoe có mối quan hệ với các cán bộ địa phương và hứa giúp đỡ chúng tôi để "rộng đường làm ăn" và "trải thảm". Thậm chí, người này còn hướng dẫn rõ số tiền cần để "gặp mặt". "Thị trấn 3 người, mỗi người khoảng một chục (10 triệu đồng – PV)" – Thịnh nói qua điện thoại.

Thịnh hẹn chúng tôi đến thị trấn Đồng Văn thì gọi cho anh ta. Tới nơi Thịnh bảo"tình hình bây giờ khó ở đâu thì gỡ ở đấy". Đồng thời, anh ta cho biết: "Mọi việc cần làm nhanh, gấp - nếu không, kể cả xin xỏ được thì đến mùa mưa không hoạt động được cũng chết dở".

Người này hướng dẫn, muốn làm "đá" việc đầu tiên phải thuê bãi. Theo đó, Thịnh nói chúng tôi nên thuê bãi ở xã Đoàn Kết. Sau đó, đến câu chuyện "làm việc" với cán bộ địa phương. Thịnh lập tức rút điện thoại ra gọi cho ai đó trao đổi với nội dung như đã nói với chúng tôi. Kết thúc cuộc điện thoại Thịnh bảo chúng tôi "cứ làm đi không phải lo, chúng mày có khai thác đâu, chỉ mua máy xát về tự xát xong bán cho dân có khi còn lãi hơn. Còn nguồn đá thì lúc nào mà chả có, tao gọi 1 tiếng là nó lấp cả nhà mày bằng đá luôn".

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 3.

Đá khai thác được một cơ sở xây dựng sử dụng tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dân Việt

Thịnh tiếp tục giới thiệu, muốn làm một điểm xay xát đá ở Thị trấn Đồng Văn, chúng tôi phải làm việc với những cán bộ nào. Thấy chúng tôi chưa tin, Thịnh liền lấy điện thoại cho chúng tôi nghe lại những cuộc trò chuyện với những người được Thịnh giới thiệu là cán bộ có khả năng cho phép mở điểm xay xát đá. Sau đó Thịnh dặn chúng tôi "cứ chuẩn bị tầm 100 triệu. Rải hết. Khi làm xong hết rồi đi rải hết một lượt".

Rải thảm hết 100 triệu đồng cơ ạ? – chúng tôi hỏi lại. Thịnh nói con số đấy là "chuẩn bị" và gạch đầu dòng ra những cái tên cần làm việc. "Khoảng năm chục, không đến 100 triệu đồng đâu" – Thịnh nói. Thịnh cũng hứa dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quyền Chủ tịch UBND Thị trấn Đồng Văn, trước khi đi Thịnh dặn chúng tôi chuẩn bị "quà".

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 4.

Người đàn ông tên Thịnh mở những file ghi âm cuộc gọi trao đổi với người được cho là một cán bộ của UBND thị trấn Đồng Văn. Ảnh: Dân Việt

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 7.

Giữ đúng lời hứa, Đỗ Đình Thịnh dẫn chúng tôi đến nhà riêng ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quyền Chủ tịch UBND Thị trấn Đồng Văn. Thịnh đặt vấn đề muốn tìm một chỗ có thể để được máy xay xát đá, ông Thắng nói: Trước tiên phải tìm được chỗ đã, thuận tiện nhất là đặt ở công trình luôn, thậm chí phải tính toán xem chỗ đặt máy có thể khai thác được đá luôn không.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 4.

UBND thị trấn Đồng Văn, nơi ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn công tác. Ảnh: Dân Việt

Sau khi nghe Thịnh nói về những khó khăn của chúng tôi, biết những việc làm của nhóm phóng viên - trong vai doanh nghiệp - là vi phạm, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Đồng Văn không những không can ngăn mà còn bày cách cho chúng tôi "lách" luật để chế biến đá trái phép trên Công viên địa chất toàn cầu.

"Mai chỉ cho Linh (cán bộ địa chính Thị trấn- PV) vào cái bãi cũ ngày xưa khai thác trên trục tuyến đấy, mình thu gom về chở vào bãi đấy" – ông Thắng nói. Vị Quyền Chủ tịch Thị trấn khẳng định với chúng tôi sẽ báo "phòng ban chuyên môn của huyện, bây giờ thực hiện nội dung đấy thu gom đúng quy định, chứ mình chở là nó đến kiểm tra xác định nguồn gốc đá. Nguồn gốc còn liên quan đến hóa đơn".

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 6.

Người đàn ông này được ông Thịnh cho biết tên Nguyễn Mạnh Thắng, Quyền chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phóng viên Dân Việt cũng đã xác minh thông tin Thịnh nói. Ảnh: Dân Việt

Chính ông Thắng cũng dặn chúng tôi không được khai thác đá mà phải thu gom, bố trí vị trí để mua đá về. "Bây giờ mình phải kết hợp, mang tính chất là cũng phải lách một tý, các anh phải giúp mới được, mới có cơ sở. Ví dụ như đoàn liên ngành vào kiểm tra … thì tiền, phạt quá tiền mua (hoá đơn), đúng không" – ông Thắng hướng dẫn.

Trước khi chia tay, theo lời vị Quyền Chủ tịch UBND Thị trấn Đồng Văn, chúng tôi cần một người đứng ra thu gom, làm công việc như ông nói ở trên. "Đấy là vị trí và con người đứng ra giúp anh em, anh sẽ trao đổi trước với họ, có gì thông tin cho" – ông Thắng dặn.

Trên đường trở về, Thịnh luôn tự hào với chúng tôi: "Tầm quan hệ của anh phải khác, không phải ai lần đầu qua cuộc điện thoại đã đưa chúng mày lên gặp hẳn lãnh đạo để "quan hệ", ngày mai mày muốn làm giời, làm biển gì ở cái huyện này mày cứ làm cho tao, mày sợ cái gì. Tao đố chúng mày gặp được ông ý mà hôm nay ông ý vào thẳng vấn đề như thế đấy".

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 5.

Một điểm nghiền đá tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Dân Việt

Khi nhóm phóng viên đang rời Cao nguyên đá Đồng Văn trong đêm, Thịnh gọi điện xác nhận xem có đúng "đã đưa đồ cho anh Thắng" chưa (ý nói có đưa phong bì 10 triệu đồng trong túi quà như Thịnh đề nghị không - PV). Rồi anh ta tỏ vẻ hoài nghi: "tao vừa gọi anh Thắng, thấy bảo không có gì, thấy là lạ".

Nhưng thực chất, chúng tôi là phóng viên không được phép dấn sâu hơn vào vụ việc này, không thể đưa tiền hay thúc đẩy tiến trình "có dấu hiệu sai phạm" của những người liên quan. Trong túi quà đến nhà vị Quyền Chủ tịch Thị trấn chỉ có hoa quả, không có "phong bì" nào như Thịnh dặn.

Quá trình gặp gỡ lãnh đạo Thị trấn Đồng Văn của nhóm PV đã cho thấy, vị này ý thức được việc khai thác đá ở khu vực là không được phép nhưng vẫn hướng dẫn cách thức cho PV cách để thu gom đá, hợp thức hồ sơ và tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra. Những dấu hiệu chỉ dẫn lách luật này rất cần được cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang làm rõ.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 11.

Ngay trong chiều 12/4 khi nhận được phản ánh của Báo NTNN, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ra văn bản hỏa tốc số 1036/UBND-KTTH ngày 12/4/2023 về việc kiểm tra phản ánh việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Đồng Văn và huyện Yên Minh thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo:

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 6.

Văn bản hỏa tốc chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài 1 trong loạt Phóng sự Điều tra về tình trạng "xẻ thịt" Cao nguyên đá. Ảnh: Dân Việt

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND huyện Đồng Văn, UBND huyện Yên Minh tiến hành kiểm tra việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá) trong diện tích dự án xây dựng công trình cắt cua, mở rộng Quốc lộ 4C và các khu vực bãi tập kết, chế biến khoáng sản có liên quan theo phản ánh. 

Kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, tham mưu đề xuất phương án xử lý sai phạm theo qui định (nếu có) về Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang trước 15 giờ ngày 18/4/2023.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: "Ngay trong sáng 12/4, tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo của các bên liên quan, đồng thời UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin báo chí nêu. Ngày 13/4 đoàn kiểm tra kiểm tra tại hai huyện Đồng Văn và Yên Minh".

Cũng theo ông Giang: "Hiện nay công tác bảo vệ, bảo tồn Công viên địa chất cũng rất khó khăn, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng chỉ là cơ quan tham mưu, nhiệm vụ thì có, nhưng không có quyền gì. Vai trò trách nhiệm chính vẫn là chính quyền địa phương cấp huyện, xã như thế nào mà không biết việc đó (phá đá trái phép trên Công viên địa chất - PV).

"Quan điểm của tỉnh Hà Giang là sai thuộc tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm và làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý của các ngành liên quan như thế nào" - Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói.

Bài 3: Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Văn dạy cách "lách"… để lấy đá từ Di sản Thế giới - Ảnh 7.

Điểm mở rộng Quốc lộ 4C đoạn qua xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dân Việt

Cùng ngày, Báo NTNN nhận được văn bản phúc đáp của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang. Sở Giao thông Vận tải Hà Giang cho biết, Sở này được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công xây dựng công trình: Xử lý điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Km126+200 ÷ Km126+600 Quốc lộ 4C, thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Long khởi công xây dựng từ tháng 11/2022. khối lượng đất đá còn thừa khoảng 512,0 m3 dự kiến để tận dụng đắp bù phụ lề đường hẹp khu vực lân cận dự án.

Tuy nhiên, xác nhận với phóng viên, người đàn ông tên Thế ở xã Lũng Táo cho biết "mua đá của ông Hùng (Công ty Thanh Long đang thi công - PV)", ngoài ra ông Đoàn ở xã Phố Cáo cũng xác nhận như vậy. 

Trong quá trình trao đổi với phóng viên ông Hùng (đơn vị thi công mở rộng Quốc lộ 4C nói: "Anh cũng đang dư thừa đá ở đấy, còn dư có 2.000 m3. Giá 100.000 đồng một m3, coi như lấy tiền công xúc".

Còn nữa...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem