Tuy nhiên, khác với vùng đồng bằng thường rê lúa bằng quạt điện thì nông dân tại đây (chủ yếu thuộc các dân tộc Ba Na, Chăm, Tày…) chỉ dùng biện pháp thủ công tự chế (do chưa có điện lưới quốc gia).
Những ngày này, nông dân làng Canh Tiến đang vội vã thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Những hạt lúa được phơi vừa khô nơi bìa rừng được các chị, các mẹ… nhanh chóng giê để sàng lọc, chọn hạt lúa chắc phơi ráo để dự trữ.
Anh Phạm Long - Phó làng Canh Tiến (xã Canh Liên), cho biết: “Làng có 127 hộ, trong đó có gần 90% là canh tác lúa tại ruộng bậc thang để có lương thực. Nhưng do thiếu nước nên người dân chỉ làm được 1 vụ Đông Xuân, vừa dứt mưa là người ta chặn nước để có nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Năm nào hạn quá thì coi như bỏ trắng đồng, bởi vậy nên người dân ở đây trân trọng hạt lúa lắm. Họ nhặt từng hạt, không bỏ sót”.
Vì quý hạt lúa nên nông dân cẩn thận trong từng công đoạn từ gặt cho đến rê lúa. Hiện tại, làng Canh Tiến chưa có điện lưới quốc gia nên việc rê lúa của người dân tại đây tốn rất nhiều công sức so với người nông dân vùng đồng bằng. Không ngại khó, họ nghĩ ra nhiều phương pháp khác nhau để lọc hạt lúa chất lượng nhất.
“Nếu như vùng xuôi dùng quạt điện để rê lúa thì ở đây họ tận dụng sức gió. Một là sức gió tự nhiên hoặc là có 1 người cầm chiếc quạt (thật ra đó chỉ là tấm bìa giấy lớn) để tạo ra sức gió. Đến khi nào hạt lép và bụi được loại bỏ thì công việc mới dừng lại”- anh Long cho hay.
Chị Đinh Thị Bông (45 tuổi), cho biết: “Rê lúa bằng biện pháp thủ công thì phải có 2 người thì mới làm được, 1 người được phân công tạo sức gió còn người kia tiến hành rê lúa. Nhiều nơi khi xem tivi tôi chỉ thấy 1 người dùng quạt điện thì rê lúa rất nhanh. Khắc phục khó khăn, người dân ở đây tự chế từ những thanh tre rồi mình đan chặt sau đó dán giấy cứng lên. Dùng để tạo ra sức gió, 1 thúng lúa có khi rê đến 10 lần mới sạch, tốn thời gian và mỏi tay lắm”.
Theo người dân, nếu không dùng quạt giấy thì họ có thể dùng chiếc chiếu xếp đôi, dang 2 chân kẹp một đầu chiếu, đầu còn lại dùng 2 tay chập qua, chập lại để tạo gió. Người thứ hai vác thúng lúa trên vai, trút từ từ xuống theo hướng gió để đưa bụi, hạt lép trong lúa ra ngoài. Người Rê cần xác định thuận theo hướng gió tự nhiên đang thổi vì nếu ngược hướng gió thì sức gió từ bàn tay người tạo gió sẽ không đạt hiệu quả.
“Sau khi rê sạch lúa xong, cẩn thận hơn thì cho vào chiếc sàn để sàn, loại bỏ hạt lép còn sót. Sau đó, trải ra sân phơi thật khô chống mọt, rồi dự trữ để ăn dần trong năm”- chị Bông chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.