Cái cà ràng chái bếp

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ sáu, ngày 04/12/2015 06:26 AM (GMT+7)
Giờ đây, mỗi lần công tác về miền núi, đi ngang qua các xóm nhỏ, nhìn cuộn khói la đà trên mái lá đơn sơ là lòng tôi lại quay quắt nhớ cái chái bếp quê nhà năm xưa. Khi mà mẹ tôi đã chuẩn bị thổi lửa cho buổi cơm chiều, rồi cả nhà quay quần bên nhau thật ấm cúng.
Bình luận 0

Càng đi xa tôi càng nhớ quê, nhớ da diết cái lu nước trước hiên nhà, nhớ nọc trầu của ngoại và cái cà ràng sau chái bếp. Với tôi, tuy chái bếp của mẹ chỉ đơn giản là vài tàu lá lợp trên mấy thanh tre quê mùa nhưng nó chứa biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời con trẻ. Trong ký ức xa vời của tôi, mỗi lần đi học về tới nhà, mùi cá kho bốc lên thơm lừng từ nơi chái bếp là lòng tôi tự dưng ấm lại.          

Ở miền Tây Nam bộ quê tôi, xưa kia nhà nào cũng có một cái chái bếp để chất củi đuốc và làm nơi nấu nướng. Duy chỉ có cái cà ràng thường kê trên cao, dùng kho cá, nấu cơm canh, còn ba ông táo bằng đất nung hoặc bằng gạch thì nằm ngay dưới đất dùng bắc những nồi, chảo lớn để nấu bánh hoặc hấp xôi khi nhà có đám tiệc.       

img

Bếp cà ràng tại một vùng quê Nam bộ.

Bởi thế cà ràng, chỉ hai tiếng đơn sơ mà sao gần gũi, mộc mạc và quá đỗi thân thương. Không biết từ thưở nào, đời nào mà chiếc cà ràng lúc nào cũng gắn liền với những cuộc đời tần tảo của các bà, các mẹ, các chị. Dù ở nhà sàn, nhà trệt hay trên ghe xuồng, chiếc cà ràng bao giờ cũng là vật bất ly thân đối với cư dân vùng sông nước.        

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cà ràng là tên đọc trại từ “Karan” của tiếng Khmer. Theo cụ Vương Hồng Sển, người ta thường nói nguyên câu “Cà ràng ông táo” là cái lò bằng đất hầm do ngày xưa người Xiêm chế tạo rồi người Khmer sau bắt chước làm theo. Hiện nay tại huyện Tri Tôn (An Giang) và Hòn Đât (Kiên Giang) còn nhiều hộ dân chuyên làm cà ràng chở đi bán dạo khắp nơi.         

img

Nghề nắn cà ràng tại Phú Tân (An Giang).

Sau nầy lớn lên, càng nhớ chái bếp bao nhiêu tôi càng yêu mẹ và ngoại bấy nhiêu. Tôi thương nhớ mùi khói bếp, thương ánh lửa bập bùng, tí tách tỏa ra từ góc bếp đã bao lần giúp tôi thỏa cơn đói. Hồi còn đi học, sáng nào mẹ tôi cũng nhúm lửa trên cái cà ràng, rang cho tôi một chén cơm dằn bụng trước khi đến trường.           

Dẫu biết rằng quy luật của cuộc sống là phát triển. Các phương tiện nấu nướng ngày càng hiện đại hơn, nào bếp than, bếp dầu, bếp điện, lò vi sóng và nay là bếp từ… ít nhà nào còn giữ được cái cà ràng, ngoại trừ ở miền quê xa. Nhưng tuổi thơ của tôi đã trôi qua êm đềm bên chái bếp. Nhưng mỗi lần gặp lại cái cà ràng, nghe tiếng củi nổ lách tách, lòng tôi không sao ngăn được cảm hoài, nhớ mẹ, nhớ quê...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem