Vừa học vừa hànhKhi triển khai tập huấn cho bà con, rất nhiều nông dân ngạc nhiên vì những sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả bất ngờ, giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế tai nạn, bệnh tật.
Nông dân Hà Tĩnh thảo luận về các biện pháp giảm thương tích và tai nạn khi làm việc.
Lớp học WIND của Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở Bình Định đã gần 1 năm nhưng nhiều nông dân vẫn còn ấn tượng về nó. Anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Xoài Một Tây, xã Bình Nghi nhớ lại: “Tôi được chọn là thành viên lớp học, nội dung học khá thoải mái: Đi thăm thực tế một hộ nông dân và thực hiện bài tập kiểm định; thảo luận nhóm, đề xuất cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các cải thiện ưu tiên, đăng ký cải thiện sau tập huấn. Tại lớp học, tôi cũng được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm từ nông dân các tỉnh bạn”.
Từ kiến thức đã học, anh Nguyễn Văn Hòa lại tiếp tục tuyên truyền cho nông dân trong xóm về ích lợi của các cải thiện nhỏ. Anh cho biết: “Ngay sau khi học, tôi đã lắp mái che nắng, mưa trên chiếc máy cày, lắp thêm đèn chiếu hậu cho rơ-moóc, cải tiến chỗ để đồ nghề lớn hơn, có chỗ để nước uống. Chi phí không bao nhiêu mà làm việc an toàn hơn”. Sau đó, từ những câu chuyện của anh, bà con trong xóm lập các tủ thuốc gia đình, dán tên các loại công tắc điện trong nhà… Nhưng đặc biệt nhất là người dân ở xã Bình Nghi hiện đã bảo nhau san bằng phẳng những chỗ lầy lội trên đường, làm cầu, cống để chuyên chở nông sản, hàng hóa cho an toàn. Nông dân tự huy động 30-40 ngày công tham gia làm con đường đi qua nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.
Ông Trần Văn Thãi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi nhận xét: “Chương trình WIND này với địa phương là rất mới, lần đầu tiếp xúc nhưng các học viên rất nhiệt tình, tích cực đi học. Có thêm an toàn vệ sinh lao động thì áp dụng vào xây dựng nông thôn mới càng tốt hơn, làm việc an toàn hơn”.
Chỉ bảo nhau từ những việc nhỏTrong các lớp học WIND, nông dân thường được tiếp cận với những cải tiến nghe qua thì đơn giản, nhưng giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe, hạn chế tai nạn. Anh Vũ Văn Hà - nông dân ở Bình Lục (Hà Nam) cho biết, anh tâm đắc nhất với cải tiến gieo hạt bằng phương tiện gieo hạt tự chế đơn giản. Anh cho biết: “Cách làm truyền thống của bà con là một tay ôm thúng, một tay vãi hạt giống, cách làm này khiến cho hạt giống được vãi không đều, công việc không được phân bổ đều cho hai tay dẫn tới chóng mỏi. Khi cải tiến, bà con chỉ cần làm xe lăn đơn giản, 2 bên xe lăn có ống tròn để hạt giống. Nông dân chỉ cần đẩy xe lăn trên ruộng, hạt giống sẽ rơi xuống đều, đỡ được việc mang vác nặng”. Một cải tiến khác đã được nông dân ở Bình Lục áp dụng rộng rãi là nối dài cán chổi và chiếc hót rác. Chị Vũ Thị Lụa (xã Trịnh Xá) bày tỏ: “Chổi và hót rác có cán ngắn khiến cho nông dân phải cúi gập người khi làm, tra cán dài sẽ tránh được việc cúi người, hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn...”.
Chị Hoàng Thị Hạnh làm nghề xay xát thì học được “bí quyết” hạn chế việc cúi gập người bê gạo: “Tôi học được cách khi kê kích các loại máy cũng cần để ý tới sự thuận tiện khi lấy sản phẩm. Chẳng hạn, máy xay xát nếu kê sát đất, tôi sẽ phải cúi xuống nhấc thành phẩm (là gạo sau xay xát) đổ vào bao. Việc cúi gập thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới cột sống. Nếu kê cao máy, để thúng gạo trên mặt bàn ngang tầm tay, khi thúng đầy chỉ việc nhấc thúng đổ vào bao, nhanh mà an toàn”.
Không chỉ áp dụng, bà con còn mách nhau các cải thiện nhỏ khiến cho những sáng kiến này lan nhanh, bước đầu góp phần hạn chế tai nạn thương tích, tai nạn lao động ở các vùng quê.
Minh Trung - Nguyễn Trang (Minh Trung - Nguyễn Trang )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.