Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai mất 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội

Vân Anh – Mai Dung Thứ tư, ngày 30/03/2022 15:16 PM (GMT+7)
Dương Hữu Phúc (28 tuổi quê ở Lạng Sơn) bị tai nạn lao động phải bỏ đi đôi tay của mình. Nhưng bằng nghị lực, vượt qua nỗi tuyệt vọng, Phúc đến với giảng đường đại học, ước mơ trở thành một kỹ sư thiết kế đồ họa.
Bình luận 0

Mất đi hai cánh tay ở tuổi 18

"Mua đồ chơi cho bé đi chị ơi" - lời rao mua đồ chơi của chàng trai cụt 2 tay ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Ai từng dạo phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) vào dịp cuối tuần ắt hẳn cũng đã từng thấy chàng thanh niên với đôi tay "chim cánh cụt" và nụ cười thường trực trên môi luôn mời chào những món đồ chơi trẻ em vô cùng dễ thương. 

Ẩn sau nụ cười đó là cả những nỗi đau không thể nào quên của chàng trai 28 tuổi quê Lạng Sơn này.

Chúng tôi gặp Dương Hữu Phúc vào một buổi chiều cuối tuần tại phố đi bộ Hồ Gươm, khi Phúc đang mang những món đồ chơi trẻ em rao bán cho khách.

Dáng người nhỏ, nhưng Phúc luôn thoăn thoắt, kể cả khi hai bàn tay đã không còn như bao người khác.

Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai cụt 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội - Ảnh 2.

Dương Hữu Phúc (28 tuổi quê ở Lạng Sơn) bị tai nạn lao động phải bỏ đi đôi tay của mình. Ảnh Vân Anh

Phúc kể rằng, năm lớp 12 em tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi đi làm phụ thêm nghề cơ khí ở gần nhà để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một ngày, Phúc đang làm thì bất ngờ bình oxy phát nổ khiến 2 cánh tay của em bị tổn thương.

Phúc được đưa vào viện cấp cứu. Nhưng sau đó bị nhiễm trùng xương, nên em được chuyển thẳng xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp tục điều trị. Hằng đêm nằm tại bệnh viện điều trị Phúc đau đơn, mất ngủ.

Được sự động viên của gia đình, bác sĩ, Phúc đã cố gắng gượng dậy, vượt qua cơn đau, bệnh tật. Một tháng sau khi điều trị, Phúc được xuất viện trở về nhà.

Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai cụt 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội - Ảnh 3.

Phúc bán đồ chơi cho trẻ em ở phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Mai Dung

"Thời điểm gặp nạn em chỉ còn 10 ngày nữa là đến kì thi đại học. Gia đình biết tin ai cũng rất sốc và thương cho em. Trong thời gian nằm điều trị, cũng có những lúc em cảm thấy tuyệt vọng, không thiết tha gì nữa cả", Phúc nói. 

Nhà Phúc có 2 em nhưng chị gái đã lập gia đình, lại mới sinh con nhỏ. Do vậy, từ việc vệ sinh cá nhân hằng ngày đến từng bữa ăn, giấc ngủ đều do một tay mẹ Phúc lo liệu. Thỉnh thoảng người thân, bà con lối xóm sang chơi, động viên Phúc nhanh khỏi bệnh.

Những ngày nằm ở nhà, Phúc phải tập làm quen với các đồ vật khi mất đi đôi tay… tất cả mọi việc, từ đơn giản nhất như đánh răng, rửa mặt, ăn uống đến cả việc giặt quần áo, cầm nắm các đồ vật...

"Lúc ấy thật sự khó khăn đối với em, đôi tay không còn nên làm việc gì cũng thấy khó, muốn bỏ. Nhưng rồi mẹ động viên, dần dần sau đó em làm được", Phúc kể thêm.

Bà Phượng (50 tuổi), mẹ của Phúc cho hay, Phúc thiếu thốn tình cảm của cha từ nhỏ. Cũng bởi vậy mà Phúc sống trầm, thu mình, ít khi chia sẻ cảm xúc với ai.

Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai cụt 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội - Ảnh 5.

Phúc bán những món đồ chơi cho trẻ em rất dễ thương. Ảnh: Vân Anh

"Quãng thời gian con bị tai nạn và lúc Phúc đi học lại lớp 12 là thời điểm gia đình tôi vất vả nhất. Có những hôm vì không xoay sở kịp, hai mẹ con còn phải nhịn đói để đi học, đi làm. 

Trước mặt tôi, Phúc luôn tỏ ra cứng cỏi, mạnh mẽ, nhưng tôi biết con đã gồng mình bấy lâu nay, thương lắm nhưng tôi không biết làm sao được", bà Phượng tâm sự.

Ước mơ trở thành kỹ sư thiết kế đồ họa

Hơn một năm sau tai nạn lao động, trong một lần tình cờ thử cầm bút lên viết tên của mình, Phúc thấy bản thân vẫn có thể viết được. 

Phúc trình bày nguyện vọng này với mẹ, mong muốn được đi học lại lớp 12. Sau đó, cao hơn nữa là học Đại học. Mẹ Phúc đồng ý ngay. Hành trình đi đến cánh cửa đại học của hai mẹ con bắt đầu.

Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai cụt 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội - Ảnh 6.

Mẹ của Phúc, người luôn đồng hành bên Phúc trong lúc khó khăn nhất. Ảnh: Mai Dung

Hơn một năm chăm chỉ học tập, Phúc tiến bộ, có kết quả học tập tốt. Đến giữa năm 2016, Phúc nhận được giấy báo đỗ vào Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ.

"Lúc này em cảm giác như vỡ òa và hạnh phúc. 2 mẹ con sau đó liền khăn gói xuống Hà Nội nhập học. Vì điều kiện không cho phép nên em chỉ thuê căn phòng trọ gần 10m2. Trong những lúc em đi học thì mẹ đi làm thêm, bán hàng rong, chạy xe ôm. Còn những lúc không học, em lại phụ giúp mẹ bán hàng", Phúc chia sẻ.

Những ngày đầu nhập học, các bạn và thầy cô đều hướng sự chú ý tò mò đến Phúc. Nhưng sau đó, biết được câu chuyện, hoàn cảnh gia đình, mọi người cảm thông, chia sẻ và yêu thương Phúc nhiều hơn.

Cứ như vậy, 4 năm đại học cũng kết thúc, Phúc nhận được tấm bằng đại học. Giờ đây, Phúc đang là nhân viên thiết kế nội ngoại thất cho một công ty ở Hà Nội, với thu nhập vài triệu đồng/1 tháng. Cuối tuần, Phúc lại ra phố đi bộ Hồ Gươm rao bán đồ chơi cho trẻ em kiếm thêm thu nhập giúp mẹ chữa bệnh suy thận.

Cảm phục nghị lực "phi thường” của chàng trai cụt 2 tay mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội - Ảnh 7.

Đôi tay của Phúc dù bị cụt nhưng Phúc vẫn nỗ lực vượt qua tất cả để vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Vân Anh

Trung bình một ngày Phúc có thể bán được 200 nghìn đồng, bán chủ yếu là đồ chơi cho trẻ em. 

"Ngày xưa em có bán vòng hoa cài mái tóc cho khách, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bán được rất ít, một ngày chỉ bán được 4 cái không đủ thu nhập để chi tiêu sinh hoạt nên em đã phải nhập thêm những đồ này để bán.

Em không sợ khó, sợ khổ, chỉ cần mỗi ngày em cố gắng lên một chút, tỉ mỉ hơn một chút thì chắc chắn mình sẽ có thêm thu nhập và giúp được mẹ em", Phúc bộc bạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem