Cần bộ óc lớn cho phát triển văn hóa

Chủ nhật, ngày 18/05/2014 06:50 AM (GMT+7)
Hội nghị 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa bế mạc đã thống nhất ra một nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bình luận 0
Nhân dịp này, phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với GS Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam xung quanh chủ đề xây dựng con người văn hóa.

imgGS Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam

T hưa Giáo sư, Hội nghị 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tập trung rất nhiều thời gian để tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời thống nhất phải xây dựng một nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có suy nghĩ gì về chủ trương này?

- Hội nghị 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung bàn về văn hóa như vừa qua chứng tỏ Đảng rất quan tâm đến văn hóa. Trong cuộc đời, con người luôn phải cố gắng để sống cho tốt và văn hóa chính là quy định cái sự “tốt” đó cho cách sống của con người. Tôi muốn trở ngược thời gian một chút, trước khi Cách mạng tháng Tám thành công thì Đảng đã có Đề cương văn hóa năm 1943, điều đó là rất tốt, chứng tỏ Đảng là một tổ chức chính trị rất xứng đáng với dân tộc này, một dân tộc có nền văn hiến hàng ngàn đời.

Phát triển văn hóa không bao giờ được cắt đứt quá khứ (ảnh minh họa).
Phát triển văn hóa không bao giờ được cắt đứt quá khứ (ảnh minh họa).

Trong đề cương văn hóa có đặt ra mối quan hệ giữa chính trị- kinh tế- văn hóa, đó là 3 phương diện mà người cộng sản hoạt động. Điều đó hoàn toàn chuẩn xác, bởi chúng ta phải lo cho phần hồn của con người, cho đời sống tinh thần chứ không chỉ là chuyện cơm ăn áo mặc. Nhưng từ khi có Đề cương văn hóa năm 1943 đến nay những thành tựu văn hóa chúng ta đạt được chưa phải là nhiều. Phải thẳng thắn thừa nhận để cho đến giai đoạn này, khi văn hóa đang thực sự xuống cấp thì nhìn lại mới có thể thấy rất nhiều điều đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn.

Trong báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành có nêu ra vấn đề cần thảo luận, đó là “Phải chăng trong hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng”. Ông nghĩ gì về điều này?

- 30 năm vừa rồi, khi đi vào đổi mới thực sự thì dân tộc ta cũng làm được nhiều việc. Cứ nhìn mặt ngoài là thấy, đời sống hết đói kém và đi vào giai đoạn nói vui là “nhậu nhẹt triền miên, ăn uống lu bù”. Nếu nói người ta có 4 nhu cầu tối thiểu là ăn, mặc, ở đi lại thì thấy ăn giờ no rồi, mặc thì tràn đầy mốt Đông mốt Tây, nhà cửa khang trang, giao thông thuận tiện. Nhìn vào cuộc sống đã thấy có một sự phát triển vượt bậc nhưng nó cũng đặt ra nhiều thử thách cho cả dân tộc.

Những người thế hệ của tôi nhìn thấy được những thành tựu đó trên cái nền rất thấp thì thực sự cảm kích, còn những thế hệ về sau này, khi sinh ra đương nhiên cha mẹ đã no đủ thì họ không thấy được điều đó. Vì thế nó đặt ra một vấn đề phải giáo dục văn hóa cho thế hệ sau, một dân tộc đừng bao giờ cắt đứt với quá khứ của mình.

Với một bộ máy chính trị sáng suốt thì phải lo cho con người về 2 phương diện sống. Thứ nhất là kinh tế, phải đủ ăn đủ mặc vì nghèo đi với hèn đớn, đi với ăn cắp ăn trộm. Thứ 2 là khi đã có một đời sống vật chất tương đối thì tinh thần phải tương ứng. Một bên là “sống cho sướng”, một bên là “sống cho tốt”, nhân loại vĩnh cửu đi trên 2 đường ray này, con người luôn phải trăn trở với câu hỏi phải sống thế nào cho tốt đẹp, nếu không sẽ trở thành dã thú.

Điều đó có nghĩa bằng hàng loạt những nghị quyết lớn về văn hóa tính từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến nay, Đảng đã đi đúng hướng khi tập trung xây dựng nền văn hóa, nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa có nhiều thành tựu nổi bật thưa ông?

- Nếu nói về lý thuyết thì Đảng đã khẳng định đúng đắn, văn hóa là nền tảng phát triển, là sức mạnh mềm, là sức mạnh nội sinh nhưng trong thực tế mà nói thì điều hành lại chưa thích ứng được. Nói văn hóa quan trọng là vậy nhưng trong thực tế những bộ óc để chuẩn bị cho việc đó thì chưa được chuẩn bị tương xứng, nên nó phát triển nhuôm nhoam vô cùng. Thấy người ta có lễ hội thì mình cũng lễ hội, tỉnh nào cũng lễ hội, khôi phục lễ hội chỉ để phục vụ cho phát triển du lịch, cứ xanh xanh đỏ đỏ rồi tạo điều kiện cho chặt chém khách, tranh cướp, mất hẳn ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội, mất tính thân thiện, tử tế, hướng thiện mà rùm beng tốn kém và nhàm tẻ, và rồi đua nhau đi nhờ UNESCO công nhận những giá trị của mình. Chỉ riêng một vài khía cạnh đã thấy có quá nhiều bất cập.

Phải chăng chúng ta đang thiếu những vị tư lệnh ngành có đủ tâm và tầm đề vực dậy mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội?

-Người tư lệnh ngành phải là một bộ óc trí tuệ. Nói rộng ra, đã có một thời kỳ dài, giáo dục an tâm vô cùng vì giao cho những người như Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, y tế giao cho Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch- đó vừa là những nhà chuyên môn sâu, vừa là những nhà văn hóa, nhân cách lớn, trí thức lớn, họ là những bộ óc vĩ đại biết sâu sắc cặn kẽ về lĩnh vực chuyên môn của mình. Chúng ta đang thiếu những bộ óc như thế và bây giờ cũng không có ai trọng tài. Cái xuống cấp hiện nay là một vòng tròn khép kín, khó nói là ở đâu nhưng nếu có thể chọn một khâu là giáo dục, thì giáo dục đang hết sức bê bối. Từ giáo dục sang văn hóa, từ văn hóa ra tâm lý, ra lối sống, ra đạo đức, nó tràn ra kéo thành một vệt rất nghiêm trọng, trì trệ nhiều năm không cải tạo được.

Vừa rồi Báo NTNN có làm một loạt bài về sự nguy hại của văn hóa ngoại lai đến phát triển văn hóa, theo ông liệu đây có phải là một nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của văn hóa?

- Tôi có theo dõi loạt bài này. Sự đe dọa từ văn hóa ngoại lai điều là không tránh được. Lần đầu tiên người dân được biết thế nào là văn minh phương Tây, hoan hỉ tiếp thu ngay, nhưng chính bởi chỗ là đã bị khô hạn quá lâu, khác với những người đã được tiếp xúc với nó cả đời rồi nên mới sinh ra những lớp trẻ quá thần tượng các ngôi sao nước ngoài. Người lớn và giáo dục nhà trường phải làm việc đó, đừng trách bọn trẻ, xu thế người trẻ bao giờ cũng đi tìm cái mới. Quan trọng nhất là bộ máy công quyền và những người lãnh đạo cao nhất phải ý thức được sâu sắc vai trò của văn hóa thì nhất định sẽ chuyển đổi được tình hình bởi lẽ khát vọng sống có văn hóa của con người là khát vọng vĩnh hằng. Nó không bao giờ mất mà chỉ tiềm ẩn đâu đó, vấn đề làm sao đánh thức được.

Vậy theo ông, việc đặt ra vấn đề cần một nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới ở thời điểm hiện nay đã bị muộn hay chưa?

"Sự đe dọa từ văn hóa ngoại lai điều là không tránh được, vì ta đang từ chỗ bị phong bế, khô hạn thế này, rất nhiều thứ lạc hậu, từ chỗ đó mà chuyển sang một thái cực khác thì sung sướng quá”.

GS Phong Lê

- Ở thời điểm hiện nay mà nói muộn hay không thì cũng hơi khó nhưng giá như phát hiện sớm hơn được nữa thì đã không có chuyện như ngày hôm nay. Nhưng bây giờ mà không đặt ra nữa thì nó sẽ đi đến đâu, con thuyền dân tộc sẽ đi đến đâu, thế hệ trẻ sẽ ra sao, sẽ tràn lan tội ác vì không có văn hóa thì con người vô cảm với nhân quần. Đặt ra được vấn đề là rất chính xác. Nhưng khó ở chỗ là nhận thức xã hội và tổ chức thực hiện nó ra sao. Chúng ta phải có một bộ máy chính trị sáng suốt và những người lãnh đạo gương mẫu, nếu lãnh đạo mà vơ vét tham nhũng, đầy rẫy chuyện xấu về đời tư thì ai theo. Người phương Đông không bao giờ chấp nhận được chuyện đó, nhà dột từ nóc, hỏng là hỏng từ trên, hỏng từ bộ máy công quyền. Thực tế bây giờ tham nhũng đều nằm ở bộ máy công quyền chứ dân thì lấy gì ra mà tham nhũng, trí thức cũng vậy. Phải gương mẫu từ người cao nhất trở đi, nếu muốn phát động cuộc tìm kiếm một gương mặt văn hóa cho đất nước thì tự ông phải là người gương mẫu, phải điều hành bộ máy chuyên nghiệp, hiệu quả, trong sạch, cầu thị, dân chủ. Một bộ máy như thế mà chuyển động được thì nhất định đời sống xã hội sẽ khác.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Anh (thực hiện) (Ngọc Anh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem