Tăng sức đề kháng cho văn hóa Việt

Thứ sáu, ngày 16/05/2014 08:20 AM (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ đã có ý kiến đóng góp nhằm hiến kế để tăng sức đề kháng cho nền văn hóa nước nhà.
Bình luận 0
Loạt bài “Mối nguy từ văn hóa ngoại lai” trên báo NTNN các số gần đây đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ.Dưới đây là những ý kiến đóng góp nhằm hiến kế để tăng sức đề kháng cho nền văn hóa nước nhà.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN: Kiểm soát chặt xuất bản các đầu sách

img

Sách nước ngoài du nhập về Việt Nam là rất lớn, chủ yếu là các nguồn sách từ các nước phương Tây, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Khi chúng ta bước chân vào một hiệu sách bất kỳ thì thấy rằng có đến 80% là những đầu sách mang tính giải trí thông thường. Thậm chí có một cơ số lớn là những tác phẩm tác động không tốt đến nhân cách người đọc. Nói chung chúng ta có khó thể cậy nhờ nhà xuất bản để có những chọn lựa tốt nhất cho bạn đọc mà thường họ chọn trước tiên tiêu chí là cho nhà xuất bản của họ, sách của họ phải bán chạy. Để giải quyết về vấn đề này, trước tiên chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược quốc gia, lâu dài. Lâu nay, chúng ta đang buông lỏng, các cơ quan quản lý có kiểm soát, nhưng kiểm soát một cách khô cứng. Còn những cái quan trọng khác, những vấn đề phi văn hóa, phi thẩm mỹ… và cả những cuốn sách làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục lại chưa được kiểm soát.

Nhạc sĩ An Thuyên: Cuộc “chiến đấu” vì văn hóa Việt


img

Tôi không hiểu văn hóa Việt Nam trong tâm hồn con người Việt Nam ở đâu, khi mà suốt ngày con trẻ ngồi mạng, xem hoạt hình trên tivi, phim ảnh, nghe nhạc ngoại. Nếu lớp thanh thiếu niên hiện nay không được bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn bằng văn hóa VN thì chúng ta sẽ phải mất hàng trăm năm, thậm chí mất nhiều thế hệ tiếp sau đó. Chúng ta cần phải có một chiến lược quốc gia, Nhà nước cần có định hướng, các cơ quan quản lý nhà nước, những người có trách nhiệm phải chung tay hành động để tạo thành sức mạnh toàn dân, để khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc. Người Việt Nam phải sống bằng văn hóa dân tộc. Tôi coi đây là cuộc chiến đấu vì âm nhạc, vì văn hóa Việt.

Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTTDL: Phải có ý thức và lòng tự hào dân tộc

img

Cần phải khách quan đánh giá, không phải cứ văn hóa nước ngoài vào Việt Nam hay vào một quốc gia nào đều xấu cả, mà trong đó có nhiều luồng văn hóa có giá trị, có nhiều yếu tố văn hóa rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Văn hóa giống cơ thể. Để cơ thể khỏe mạnh, đủ sức chống lại bệnh tật và các vi khuẩn, virus có hại xâm nhập thì phải tăng cường sức đề kháng. Chính vì vậy, để chọn lọc và tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, độc hại của các luồng văn hóa khác xâm nhập thì nền văn hóa dân tộc phải đủ sức đề kháng, điều đó có nghĩa là phải có nền văn hóa đủ mạnh với các sản phẩm văn hóa dân tộc hấp dẫn, thu hút và có sức lôi cuốn khán giả. Để làm được điều đó, thì sự quan tâm và đầu tư, định hướng của Đảng, Nhà nước về văn hóa là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để văn hóa dân tộc trở thành sức mạnh nội sinh thì việc giáo dục, nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc, ý thức “đồng bào” phải được thực hành thường xuyên, trở thành một phương châm hành động nhất quán, thực chất và tự nguyện đối với tất cả nhân dân Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Cần nâng cao giá trị văn hóa nội sinh


Nếu nhìn một cách khách quan khi văn hóa nước ngoài du nhập Việt Nam thì trước tiên đó là những giá trị đó mới, lạ. Văn hóa nước ngoài bao chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật và hấp dẫn. Và rõ ràng như vậy thì văn hóa nước ngoài đã lấn át văn hóa nội địa rồi. Hơn nữa, theo tôi trong xu thế hội nhập thì chúng ta không nên chống văn hóa nước ngoài, mà cũng không thể chống được. Tôi được biết ở các nước phát triển, thay vì cấm, họ đã khuyến khích văn hóa nước ngoài du nhập vào nước họ, nhưng đồng thời họ cũng phát huy những giá trị văn hóa nội sinh. Họ nâng cao chất lượng văn hóa nội sinh để đối trọng.

img

Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên làm như vậy, nên có cái nhìn mềm mại, uyển chuyển. Chúng ta cố gắng phát huy, nâng cao giá trị văn hóa nội sinh để cân bằng với văn hóa ngoại sinh, và không nên dùng biện pháp cấm hay ngăn chặn. Nếu nói về chế tài, thì chúng ta có thể đánh thuế cao hơn, hoặc đối với điện ảnh, chúng ta có những quy định mỗi một tuần, mỗi năm các rạp phim trong nước phải chiếu bao nhiêu phim nội, bao nhiêu phim ngoại.

NSƯT Việt Hoàn - Nhà hát đài tiếng nói VN: Đào tạo chuyên sâu về âm nhạc

img

Nói một cách khách quan, nhạc nước ngoài cũng không làm ảnh hưởng quá lớn đến nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ những nhạc sĩ trẻ bây giờ khi sáng tác các ca khúc mới thường mang âm hưởng của nhạc Hàn, nhạc Trung Quốc, nhạc Thái… và ở mỗi thời gian, qua mỗi năm lại có trào lưu nhạc na ná như vậy. Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân đó chính là chúng ta đã không có sự quan tâm đúng mức về âm nhạc trong nước. Ví dụ cần tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác các ca khúc mới mang âm hưởng dân gian, hay những ca khúc trẻ và có những chuyến đi thực tế, trại sáng tác như ngày xưa. Nguyên nhân tiếp theo, với các nhạc sĩ gạo cội, nhiều khi không thể bắt kịp với cuộc sống bây giờ, hay cũng vì quá nhiều tuổi nên khó có thể làm mới mình trong xu thế hội nhập toàn cầu. Ngoài ra chúng ta cũng nên giải quyết từ gốc, tức là ở tất cả các trường đào tạo về âm nhạc, đặc biệt là những khoa mang tính nghiên cứu sâu, cần được học chuyên sâu hơn nữa. Chứ theo tôi được biết, các sinh viên ở những khoa đó, hiện tại họ học rất hời hợt, không mang tính nghệ thuật cao.
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem