Cần cấp đông hàng triệu tấn thịt để đối phó dịch tả lợn châu Phi

Anh Thơ Thứ hai, ngày 13/05/2019 09:32 AM (GMT+7)
Đó là một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi cho thấy, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Đánh giá về diễn biến của dịch tả lợn châu Phi thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phải dùng con số "lây lan khủng khiếp".

img

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Phúc Thành (Vũ Thư, Thái Bình). 

"Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan lan. Đó là chưa kể, bên cạnh những địa phương làm tốt thì vẫn có những nơi, những khâu làm chưa tốt. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục lan truyền phức tạp, công tác chỉ đạo phải siết lại để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, giảm nguy cơ lây lan, đặc biệt trong khu chăn nuôi lớn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi yêu cầu các địa phương, ngành chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại. Đáng chú ý, để giảm áp lực tiêu hủy lợn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.

Giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức chỉ đạo việc thông tin, tuyên truyền với nội dung xác thực, với tần suất, hình ảnh phù hợp để vừa bảo đảm công tác chống dịch có hiệu quả, vừa bảo vệ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong việc tiêu hủy lợn.

Giải pháp cấp đông thịt lợn sạch để đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian sắp tới cũng được các địa phương đề xuất để giảm áp lực tiêu hủy, giảm thiệt hại cho nông dân đối với những nơi chưa có dịch. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, Chính phủ, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp để họ thu mua lợn hơi ở vùng chưa bị dịch bệnh, giết mổ, cấp đông để đảm bảo bình ổn giá lợn từ nay đến cuối năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong tình hình hiện nay, để đảm bảo bình ổn thị trường, cần đảm bảo đưa thịt lợn sạch được tiêu thụ, tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn; cần huy động hệ thống thương mại lớn vào cuộc tiêu thụ thịt heo (cách làm của Hưng Yên, mời các siêu thị, bếp ăn tập thể ký kết tiêu thụ thịt lợn cho nông dân là một cách làm hay).

"Bộ Công Thương cũng hoàn toàn đồng ý với phương án hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ, cấp đông thịt lợn sạch và sẵn sàng giúp doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống kho lạnh hiện nay còn hạn chế" - đại diện Bộ Công Thương nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem