Hai bên đã không tìm được tiếng nói chung trong việc định giá hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Đây cũng là “ngòi nổ” chính của nhiều mâu thuẫn giữa người dân và đơn vị thu hồi đất.
Điều này đã được chỉ ra trong Hội thảo “Lấy ý kiến đóng góp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013”, do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (SCODE) phối hợp Đại học Cần Thơ vừa tổ chức.
Giá bồi thường bất nhất gây ra so bì
Nhìn nhận vấn đề trên góc độ của giá bồi thường khi thu hồi đất, ông Phạm Duy Tín – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Cần Thơ nhận xét: Công tác bồi thường hiện nay mỗi dự án một giá. Đặc biệt, khi so sánh dự án vốn ngân sách nhà nước với dự án vốn ODA, World Bank thì thấy sự chênh lệch lớn gây ra so bì, khiếu nại của người dân mất đất.
Ông Tín lấy ví dụ khá giống với trường hợp tại dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền, đó là dự án xây dựng khu thương mại Trường Xuân ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, Cần Thơ (do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát Đạt làm chủ đầu tư): Dự án triển khai từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của 168 hộ dân sinh sống trong vùng dự án. Qua 7 năm triển khai, chủ đầu tư đã chi trả bồi thường cho 84 hộ với tổng số tiền trên 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, nhiều hộ dân vẫn không chấp nhận bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất mức giá bồi thường.
Ông Võ Thành Xuân, người dân có đất nằm trong vùng dự án, bức xúc: “Năm 2009, UBND huyện Thới Lai áp giá đất nông nghiệp là 96.000 đồng/m2 và đất ở là 1.500.000 đồng/m2. Trong khi đó, cùng thời điểm, cùng vị trí đất mà công trình lộ Bốn Tổng- Một Ngàn được áp giá đất nông nghiệp là 126.000 đồng/m2 và đất ở là 2.700.000 đồng/m2”.
Ông Phạm Duy Tín cho rằng, việc xác định bồi thường theo giá đất cụ thể vẫn còn mang tính định tính; tư vấn thường thiếu khách quan. Chính vì vậy, theo ông Tín, cần giao dự án (nhà nước, phi nhà nước) cho một tổ chức trung gian để tiến hành thương lượng, bồi thường. Giá bồi thường cũng cần phải thống nhất chung để không gây ra sự so bì.
Kẻ ăn không hết người lần không ra
PGS-TS Phan Trung Hiền – Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ bày tỏ thêm: Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Tuy nhiên, một số lượng lớn người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở, nhưng không có tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, dẫn đến sử dụng đất sai mục đích. Những bất cập này trở nên gay gắt hơn khi đất sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Theo luật, khi thu hồi đất nông nghiệp (dù người dân đã làm nhà trên đó), Nhà nước phải bồi thường theo giá đất nông nghiệp trong khi người dân cho rằng thực tế đối với họ đất đó không còn là đất nông nghiệp (thổ canh) mà đã thành đất ở (thổ cư). “Tình trạng này trở nên phổ biến trong một thời gian dài ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước mà chưa có giải pháp căn cơ” - ông Hiền nhấn mạnh.
Một bất cập khác vốn diễn ra nhiều năm qua, vẫn chưa được giải quyết là không ít dự án được quy hoạch nhưng bỏ hoang, không thực hiện trong một thời gian dài (cũng khá trùng khớp với trường hợp người dân ở Cẩm Điền). Ông Trịnh Văn Lắm ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ phàn nàn: “Từ năm 2009 TP.Cần Thơ phê duyệt “Dự án đường ống dẫn khí điện đạm Cà Mau” chạy ngang qua xã Định Môn tới nay vẫn chưa được triển khai. Mỗi năm công ty đầu tư chỉ đến cắm cọc trên phần đất được quy hoạch cho dự án rồi bỏ đó, trong khi người dân chúng tôi không có đất trồng trọt”.
Từ thực trạng trên, ông Lắm đề nghị UBND TP.Cần Thơ kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu không đủ năng lực triển khai dự án thì xóa quy hoạch để trả lại đất sản xuất cho người dân. “Nếu không nhà đầu tư phải thông báo cụ thể thời hạn sử dụng đất để người dân biết và có kế hoạch tận dụng đất phục vụ cho sản xuất, tránh lãng phí”- ông Lắm kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.