Cần nhiều hơn các HTX kiểu mới

Thứ tư, ngày 25/01/2012 05:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Muốn nông nghiệp phát triển, nông dân cải thiện đời sống cần tổ chức sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, mô hình cụ thể nào thích hợp đối với tình hình thức tế ở nước ta?
Bình luận 0

Câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa trong việc điều hành hệ thống siêu thị Sài Gòn Co-op, đơn vị tiêu thụ khối lượng nông sản lớn cho nông dân, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) sẽ gợi mở nhiều ý tưởng về vấn đề này...

Bán nông sản vào siêu thị thế nào?

Thưa ông, Sài Gòn Co-op thực hiện mua nông sản để bán trong hệ thống của mình thế nào?

- Chúng tôi có bộ tiêu chuẩn đối với hàng hoá nông sản. Khi ký hợp đồng mua bán với HTX nông nghiệp, chúng tôi nêu rõ yêu cầu về sản lượng mà siêu thị thu mua mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày. Thứ hai, hàng hoá nông sản phải có quy cách dài ngắn, lớn bé, cân nặng riêng. Người nông dân chỉ phải lo sản xuất còn chúng tôi chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm.

Tuy nhiên, để giám sát chất lượng nông sản, chúng tôi ký hợp đồng với các trung tâm khuyến nông để họ thay chúng tôi giám sát việc sản xuất của nông dân.

img
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa

Một hộ nông dân riêng lẻ liệu có bán nông sản cho siêu thị được không?

- Rất là khó vì một người thường là trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, chúng tôi không thể nào ứng tiền cho một nông dân mà chúng tôi chỉ ứng tiền cho một tập thể là HTX. Chẳng hạn, chúng tôi muốn đầu tư một nhà lưới 40 – 50 triệu đồng để trồng rau sạch. Chúng tôi không thể giao nhà lưới đó cho một người nông dân mà phải là HTX đứng ra. Chúng tôi không có thời gian để giám sát nông dân làm gì trong nhà lưới đó nên khi hỗ trợ, ký hợp đồng với HTX, họ sẽ đứng ra hỗ trợ chúng tôi làm việc đó.

Nhưư ông nói nông dân muốn bán nông sản số lượng lớn thì bắt buộc phải tổ chức sản xuất quy mô lớn?

- Nông nghiệp muốn phát triển phải dựa trên một nền nông nghiệp sản xuất lớn. Nếu sản xuất manh mún thì năng suất không bảo đảm, không đưa được máy móc thiết bị công nghiệp vào trong nông nghiệp. Nông nghiệp muốn đi lên và nông dân muốn khấm khá hơn thì phải dựa trên một nền sản xuất quy mô lớn. Nó vừa là năng suất, vừa là hiệu quả vừa là ứng dụng khoa học công nghệ.

Sự xuất hiện các mô hình kinh tế trang trại thời gian qua với những thành công nhất định của nó đã chứng minh rằng sự hiệu quả của nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình kinh tế trang trại là không phải bất kỳ nông dân nào cũng trở thành ông chủ trang trại được. Số người nông dân làm chủ trang trại là ít. Có khi, chủ trang trại không phải là nông dân mà là từ thành phố. Mô hình trang trại luôn luôn gắn với việc tích tụ ruộng đất, mà đông đảo người nông dân cả cuộc đời gắn bó, tìm kiếm thu nhập bằng chính mảnh ruộng của mình.

Mô hình HTX nông nghiệp

Như vậy thì cần mô hình nào để nông dân sản xuất quy mô lớn mà không đánh mất quyền sở hữu của người nông dân?

- Theo tôi, mô hình HTX nông nghiệp là mô hình phù hợp để đi lên sản xuất có quy mô lớn mà không tước đi quyền sở hữu của người nông dân với ruộng đất. Thông qua HTX, từng mảnh vườn, từng thửa ruộng vẫn là của người nông dân nhưng khi tham gia HTX thì họ làm được cái việc mà từng người nông dân không làm được.

Chẳng hạn, vừa qua chúng ta có chính sách cho nông dân vay để ứng dụng khoa học công nghệ. Nhưng nếu chỉ một người nông dân vay được 10 - 20 triệu như vậy thì không thể nào công nghiệp hoá được nông nghiệp.

Khi đi mua rau ở Đà Lạt, chúng tôi muốn đầu tư một chiếc xe đông lạnh khoảng 500 – 700 triệu để chuyên chở. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho người nông dân số tiền đó mua xe, nhưng chúng tôi sẽ không giao chiếc xe đó cho một nông dân và nông dân đó cũng không muốn nhận số tiền đó vì chiếc xe đó nếu chỉ chở rau do một mình nông dân đó sản xuất sẽ không công suất.

Vì thế, chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương tập hợp nông dân lại thành HTX. Khi có HTX, chúng tôi mới dám giao tiền cho HTX đó mua chiếc xe đông lạnh. Khi chiếc xe thuộc HTX thì xe sẽ dùng để vận chuyển rau không phải của một ông nông dân mà của mười xã viên HTX. Như vậy, chiếc xe mới chạy hết công suất.

Với kinh nghiệm thực tế của chúng tôi cho thấy, khi có chiếc xe, hao hụt vận chuyển của xe đông lạnh này với phương thức thô sơ trước đây giảm 15% tổng sản phẩm. Như vậy, người nông dân, xã viên HTX tự nhiên được hưởng 15% đó.

img
Dưa hấu ruột đỏ vào Siêu thị BigC.

Xin ông nói rõ hơn, mô hình HTX nông nghiệp không tích tụ ruộng đất hoạt động thế nào?

- Chúng ta có một thực tế không tốt của mô hình HTX nông nghiệp trong quá khứ. HTX kiểu cũ đi theo con đường tích tụ ruộng đất, chúng ta làm cho nông dân cảm thấy khi vào HTX phải góp ruộng coi như bị mất đi quyền sở hữu.

Bây giờ, chúng ta phải tổ chức HTX lại theo mô hình kiểu mới. HTX vẫn tôn trọng quyền sử dụng của người nông dân và chỉ tập hợp nông dân lại để làm những việc mà từng người nông dân không làm được, hoặc làm không có hiệu quả. HTX sẽ nhận chuyển giao khoa học công nghệ, HTX nhận ứng vốn, lo con giống, dự trữ sau thu hoạch, tiêu thụ. Chúng ta có chủ trương chính sách nhưng lại thiếu mô hình để đón nhận đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp.

Mô hình hợp tác xã phù hợp hơn công ty cổ phần

Với mô hình HTX, nhược điểm mà mọi người đang bị ám ảnh, thậm chí là lo sợ là tình trạng cha chung không ai khóc và phân chia sản phẩm mang tính cào bằng?

- Với mô hình HTX kiểu mới, khi nông dân vào HTX thì ruộng người nông dân vẫn làm nhưng những dịch vụ sẽ do HTX làm. Chẳng hạn, khi HTX lo cung cấp phân bón thì HTX đứng ra mua cùng lúc 1 tấn hay 10 tấn phân sẽ rẻ hơn so với nông dân đi mua từng kg một. Như vậy, HTX sẽ bán lại cho nông dân với giá rẻ.

Xin trở lại với ví dụ về chiếc xe đông lạnh. Khi HTX đầu tư một chiếc xe đông lạnh để vận chuyển hàng cho từng xã viên thì chiếc xe sẽ tạo ra lợi nhuận. Trừ đi tất cả các chi phí, nộp thuế thì HTX có lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế đó có hai cách để sử dụng. Cách thứ nhất là dùng tiền đó để mua chiếc xe thứ hai, thứ ba. Như vậy, lợi nhuận đó được đưa vào quỹ không chia của HTX. Như vậy, HTX ngày càng mở rộng.

Trong trường hợp HTX có 5 chiếc xe và đủ cho nhu cầu, không muốn mua thêm nữa thì phần lợi nhuận của 5 chiếc xe ấy tạo ra sẽ được chia cho xã viên. Tuy nhiên, cách chia lợi nhuận không dựa trên số vốn góp của từng người nông dân mà chia theo mức sử dụng dịch vụ của người nông dân đó ở HTX. Ví dụ, người nông dân nào càng bán rau nhiều cho HTX thì lợi nhuận càng nhiều.

Nguyên tắc của HTX không phải là xã viên không tìm kiếm đồng tiền trên đồng vốn góp như công ty cổ phần mà tìm kiếm dịch vụ của HTX. Khi HTX phát triển thì HTX trả lại cho những người có đóng góp nhiều cho HTX.

Như vậy, trên một mảnh ruộng, cùng một công thức, cây giống nhau nhưng nông dân nào làm siêng năng thì được 5 tấn, ai không siêng năng thì chỉ được 3 tấn. Sau khi họ bán cho HTX họ sẽ nhận được số tiền tương ứng từ việc bán nông sản và lợi nhuận của HTX chia cho.

Ông có thể phân tích mặt được và không được của mô hình HTX so với mô hình công ty nông nghiệp cổ phần đang xuất hiện ngày một nhiều ở nông thôn?

- Nếu nông dân góp cổ phần bằng đất thì sẽ quyền sở hữu ruộng đất không phải của nông dân nữa mà của công ty. HTX thì không nhận góp vốn bằng ruộng đất; số vồn cũng không huy động nhiều.

Trường hợp cho nông dân công ty cho thuê đất, nông dân sản xuất trên mảnh ruộng của mình thì họ là những người đi làm thuê. Còn với mô hình HTX, nông dân vẫn là ông chủ. Khi công ty cổ phần có lợi nhuận thì sẽ không phân chia như HTX. Ông nào vốn nhiều sẽ được chia nhiều, vốn ít được chia ít chứ không chia theo sử dụng dịch vụ như HTX.

Và một điều nữa là công ty cổ phần sẽ rất khó có sự dân chủ. Cổ đông chi phối của công ty cổ phần dễ xung đột lợi ích với người nông dân. Chẳng hạn, ông ta có thể bắt nông dân trồng rau chuyển sang trồng cao su cho dù nông dân không muốn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem