Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đã đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới. Năng suất lúa năm 2010 đạt 53 tạ/ha, gấp 4,4 lần năng suất năm 1945 và gần gấp 2 lần năm 1985.
Tuy nhiên phải thành thật thừa nhận đời sống của đa số nông dân còn rất thấp. Sự chênh lệch về mức thu nhập cũng như điều kiện sống của cư dân thành thị và cư dân nông thôn ngày càng nới rộng.
|
Làm ra nhiều của cải cho đất nước nhưng đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn. |
Có tới 70% dân số nước ta sống dựa vào nông nghiệp và hàng năm đóng góp tới 20% vào GDP của cả nước. Sự phát triển các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các sân golf, các khu dân cư đã xâm chiếm đất nông nghiệp lâu năm (nông dân gọi là Nhất đẳng điền, là Bờ xôi ruộng mật, các nhà khoa học gọi là Đất có cấu tượng) một cách quá nhanh chóng. Theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển nông nghiệp, nông thôn tại trên 12 tỉnh với 2.324 hộ thì có tới 13% các hộ bị mất đất, tỷ lệ đất bị thu hồi chiếm 44,2%, đất bán chỉ chiếm 8,9%, đất trao đổi là 10%...
Để đến năm 2020, Việt Nam căn bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chúng ta phải xây dựng được một nông thôn phát triển bền vững, đảm bảo cho các cư dân ở nông thôn có một cuộc sống vật chất và tinh thần xứng đáng với vị thế và sự đóng góp của họ vào sự phát triển chung của đất nước.
Muốn vậy, chúng ta phải có những quyết sách với cây lúa (và với các cây trồng khác cũng tương tự như vậy), đó là: Cần nghiên cứu sâu sắc về từng đối tượng, tạo bước đột phá mới về năng suất và chất lượng. Tổ chức sản xuất theo tình thế từng hội nhập, từ khâu giống đến khâu thu mua, bảo quản, lưu thông, phân phối và xuất khẩu. Phải bảo đảm để người nông dân thực sự có lãi.
Cần hoạch định một chiến lược phát triển vùng chuyên canh lúa hay các cây trồng quan trọng khác. Với nông sản xuất khẩu phải đầu tư thích đáng cho việc hỗ trợ nông dân khâu phơi sấy, đổi mới công nghệ xay xát, phát triển các kho bảo quản, lập quỹ thu mua dự trữ, quỹ xây dựng thương hiệu, quỹ dự phòng thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Với rau, hoa quả xuất khẩu cần có các công nghệ thích hợp với từng loại để đảm bảo chất lượng xuất khẩu và có thị trường ổn định. Giữ vững diện tích canh tác, đặc biệt diện tích trồng lúa. Chấm dứt việc dùng đất trồng lúa làm sân golf...
Chiến lược Phát triển kinh tế -xã hội 2011-2020 mà Đại hội Đảng XI thông qua đã xác định nhiệm vụ Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Chiến lược này ghi rõ: Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác. Hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra còn cần thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: Tạo điều kiện thuận lợi để một số người nông dân sản xuất giỏi có thể mở rộng quy mô sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, liên kết trong các hợp tác xã, được tiếp thu khoa học công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa (trồng trọt và chăn nuôi) theo hướng chuyên sâu và ổn định.
-Tận dụng tốt gần 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành cho đề án Đào tạo nghệ cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo ý riêng tôi thì đừng chia sẻ số tiền này cho quá nhiều mục tiêu mà nên nhằm vào 3 phương hướng sau đây: Dạy nghề cho thanh niên nông thôn theo yêu cầu của từng nhà máy, từng khu công nghiệp, khu chế xuất để chuyển bớt lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Dạy nghề và dạy ngoại ngữ cho thanh niên nông thôn để tăng nhanh số lượng xuất khẩu lao động. Dạy nghề cho nông dân tham gia vào các trang trại ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
- Đầu tư thỏa đáng cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu để đủ sức tạo ra các tiến bộ kỹ thuật có chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp , lâm nghiệp, thủy hải sản và công nghiệp vi sinh vật. Mỗi năm Quốc hội dành cho khoa học và công nghệ không dưới 600 triệu USD vậy mà các tiến bộ đưa được vào nông nghiệp và nông thôn còn quá ít, còn phải tốn quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu thuốc trừ sâu, trừ bệnh, phân bón, giống quý và các vật tư nông nghiệp khác.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân chậm triển khai đưa các ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp, vẫn là lực lượng nghiên cứu CNSH còn mỏng, kinh phí đầu tư quá thấp... Trong khi đó, một số nội dung nghiên cứu thì rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp. Đó là chưa kể đến các nghiên cứu có sự trùng lặp về nội dung với chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước về CNSH và chương trình bảo tồn quỹ gen do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý...
Thời điểm 2020 đang đến gần, nếu không có một quyết tâm rất cao, một sự chỉ đạo thông minh, kiên quyết và chính xác thì làm sao để cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta đạt tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như chúng ta hằng mong muốn.
GS Nguyễn Lân Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.