Chiều 7.2, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam).
|
Theo dự thảo điều chỉnh viện phí mới, sẽ giảm lạm dụng xét nghiệm. |
Ông Phạm Lương Sơn cho biết: Đây là lần đầu tiên, một bản dự thảo điều chỉnh viện phí ra đời nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành có liên quan. Dự thảo lần này có nhiều điểm mới, những điểm mới căn bản được đưa ra dựa trên 3 phân nhóm cụ thể. Nhóm tiền công khám, nhóm giường bệnh, nhóm dịch vụ kỹ thuật. Các nhóm này đều đã được “chẻ nhỏ” nhằm tính sát, tính đủ tiền viện phí, hạn chế “phụ phí” mà bệnh nhân có thể phải nộp thêm cho các bệnh viện.
Đặc biệt dự thảo lần này đã xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp với mặt bằng chung. Nếu dự thảo cũ chỉ nghĩ đến chuyện tăng thì dự thảo mới này có nhiều dịch vụ giảm đi. Ví như trước đây việc thanh toán siêu âm chỉ chung chung thì nay được tách bạch rõ ràng thành siêu âm màu, siêu âm đen trắng... Nội soi thì được tách cụ thể thành nội soi lồng ngực, nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng…
Viện phí tăng có đồng nghĩa với việc tăng gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm y tế không, thưa ông?
- Thực tế, khi đồng ý với quyết định trình dự thảo tăng viện phí mới, BHXH cũng đã tính đến những khó khăn này. Tuy nhiên, từ lâu Quỹ BHYT đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan cần tuân thủ nguyên tắc thanh toán trên cơ sở tính đúng, tính đủ cho người dân. Từ đó, đảm bảo tính minh bạch giữa người cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý dịch vụ. Theo dự đoán, giá viện phí tăng đồng nghĩa với việc Quỹ BHYT có thể phải chi thêm từ 6.000-8.000 tỷ đồng, nguy cơ mất cân đối quỹ là rất lớn.
Vậy, hiện nay BHYT và BHXH Việt Nam đã có biện pháp gì để bảo toàn quỹ?
- Biện pháp trước mắt là tăng cường đổi mới hoạt động giám định. Thực tế, hiện nay việc giám định do các bệnh viện thực hiện chưa thật hiệu quả, gây thất thoát nguồn quỹ. Sắp tới, BHYT sẽ thành lập các đoàn giám sát chuyên sâu, giám định theo xác suất, chọn khoảng 30% số mẫu ngẫu nhiên. Trên cơ sở giám định hồ sơ thanh toán tại bệnh viện để xác định phân lập những sai xót, từ đó khấu trừ vào chi phí của bệnh viện.
Ngoài ra, BHYT cũng kiểm soát kỹ, không để lạm dụng xét nghiệm (ví dụ tuyến dưới đã có xét nghiệm máu thì khi chuyển lên tuyến trên phải sử dụng xét nghiệm đó). Bên cạnh việc giám định, chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ tăng mức đóng BHYT lên 0,5% (từ 4,5% lên 5%).
Bộ Y tế đã hoàn thiện toàn bộ dự thảo tăng giá viện phí cùng với những nghị định có liên quan trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết quý 1 này sẽ có kết luận chính thức về điều chỉnh tăng viện phí.
Có ý kiến cho rằng kể cả khi viện phí tăng thì chất lượng đầu ra vẫn không tăng, nguồn tài chính bệnh viện không vì thế mà minh bạch hơn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tất nhiên, tăng giá viện phí không hoàn toàn đồng nghĩa với việc tăng chất lượng dịch vụ y tế. Tăng chất lượng y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, giá viện phí chỉ là một phần. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cho Quỹ BHYT được sử dụng có hiệu quả nhất, nghĩa là tất cả những người có thẻ BHYT được chăm sóc sức khoẻ tốt nhất.
Vấn đề hiện nay là chúng ta cần nhanh chóng tiến hành đổi mới cơ cấu tài chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cần tách bạch rõ ràng hệ thống y tế công – tư. Đã là hệ thống y tế công lập, được Nhà nước đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không được sử dụng khám dịch vụ cho người dân với phí cao.
Xin cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.