Mỗi công đất chỉ vay được 10 triệu đồng
Ông Trần Văn Hùng, nông dân trồng hơn 1ha bưởi Năm Roi đặc sản ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: Đầu năm 2010, do nhu cầu cải tạo vườn và chuyển đổi sang hệ thống tưới tự động nên ông liên hệ một ngân hàng lớn có trụ sở tại huyện để vay vốn. Tại đây, ông được tiếp nhận hồ sơ vay và tư vấn cẩn thận.
|
Nhiều nông dân ở ĐBSCL chưa mở rộng được sản xuất, kinh doanh vì khó vay vốn của ngân hàng (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, một ngày sau khi cán bộ tín dụng vào tham quan, nhìn ngó và thẩm định… hơn 1ha vườn cây đặc sản cùng với miếng đất thổ cư hơn 100 m2 cùng căn nhà trị giá hơn 150 triệu đồng của ông, ông chỉ được phép vay… 100 triệu đồng. Ông Hùng bức xúc: “Chỉ riêng việc thu hoạch mỗi năm 1 vụ, 1ha bưởi của tui đã mang về hơn 200 triệu đồng.
Giá trị miếng đất cũng đến 500 triệu đồng... Vậy mà ngân hàng chỉ cho vay 100 triệu đồng, không đủ mua phân bón, thuốc trừ sâu chứ nói gì đến việc xoay xở đầu tư, nâng cấp hệ thống vườn trị giá tới vài trăm triệu?”. Vay ngân hàng không được, ông Hùng đã cầm cố giấy tờ vay bên ngoài hơn 300 triệu đồng, chấp nhận lãi suất cao.
Đó chỉ là trường hợp điển hình trong rất rất nhiều câu chuyện chúng tôi ghi nhận được trong quá trình thực hiện loạt bài về tín dụng nông thôn này.
Nông dân gặp khó vì thế chấp…
Một thực tế là các ngân hàng dường như lúc nào cũng “chăm chăm nắm đằng cán” trong các hợp đồng tín dụng. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng trong nhóm khảo sát của NTNN đều khẳng định: Hình thức vay thế chấp đang chiếm hầu hết dư nợ của các ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Kiềm- nông dân ở xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) tâm sự: “Tụi tui cứ mỗi lần đi vay là phải thế chấp. Mà ngoài giấy tờ nhà đất thì nông dân biết thế chấp cái gì? Cả xóm tui dường như ai cũng bị giam sổ đỏ trong ngân hàng…”.
Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp nông thôn, tôi chưa từng thấy nông dân nào vay được năm bảy trăm triệu đồng/năm để đầu tư, làm ăn lớn... Đây chính là một trong những hạn chế, bất cập mà đa số các địa phương đều vướng phải.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… còn đưa giấy tờ, hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và khẳng định với chúng tôi: Nhiều năm rồi, chưa bao giờ họ “thấy mặt” cái sổ đỏ của họ ra làm sao.
Đơn giản vì nó cứ nằm suốt trong ngân hàng với các khoản vay thế chấp hết hạn rồi lại đáo hạn… (!). Ông Lê Văn Út, nông dân ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nói: “Có khi đến đợt nhà nước chủ trương đổi sổ cũ, làm sổ mới, chúng tôi cũng rất khó khăn để làm thủ tục mượn sổ cũ đang thế chấp trong ngân hàng ra. Chưa nói đến việc có mấy ông bạn muốn sang bán và cho tặng một phần đất… cũng hết sức khó khăn”.
Ông Huỳnh Tiếp – Phó đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ), nói: “Chưa có ai thống kê, nhưng tôi đã đi nhiều nơi và hỏi thăm nhiều nông dân… thì theo ước tính của tôi, hiện không dưới 80% nông dân đang cầm cố sổ đỏ trong các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác… Nếu có sự cố, họ sẽ trắng tay. Điều này không thể coi là chuyện bình thường được!”.
Cán bộ tín dụng của các ngân hàng (cả khối ngân hàng nhà nước và thương mại cổ phần) đều lý giải việc chọn hình thức phát vay thế chấp thay vì tín chấp là vì “sợ rủi ro”.
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.