Cẩn thận với hôn nhân không giá thú

Thứ tư, ngày 27/04/2011 19:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày càng có nhiều bạn trẻ sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Những đôi “rổ rá cạp lại” cũng không muốn ràng buộc với pháp luật để “tiện chia tay” nếu không phù hợp.
Bình luận 0

Con kiến kiện củ khoai

img

Hôn nhân hạnh phúc là mong ước của nhiều cặp vợ chồng.

Khi không đăng ký kết hôn, nhiều đôi chung sống với nhau tự xây dựng những ràng buộc bất thành văn, ngoài luật. Nếu yêu nhau, sống êm ấm thì không có rắc rối nào nhưng khi tình yêu bay mất, nhiều hứa hẹn yêu đương bỗng nhiên trở thành “luật rừng”.

Thanh Thư sống chung với bạn trai từ khi học ĐH năm thứ 2. Lúc đầu, cô cũng không muốn nhưng bạn trai cô thuyết phục rất hợp lý: Nào là tiết kiệm tiền nhà, tiện chăm sóc nhau, nếu muốn gần gũi nhau đỡ phải đi nhà nghỉ vừa tốn tiền, mất vệ sinh, lại mang tiếng không lành mạnh. Tốt nghiệp, đi làm, Thư được bố mẹ cho tiền mua nhà trên Hà Nội, cô đưa cho bạn trai đi mua.

Cầm tiền, anh ta mua nhà đứng tên anh ta. Rồi xe máy mua bằng tiền mà Thư tích cóp. Hai người dọn về nhà mới ở, chuẩn bị làm đám cưới. Đùng một cái, Thư phát hiện người yêu đang lăng nhăng với một em sinh viên. Cô đuổi bạn trai ra khỏi nhà thì anh ta câng câng: “Cô đi ra khỏi nhà chứ không phải tôi”.

Giấy tờ nhà cửa và các vật dụng khác đều do anh ta đứng tên. Thư muốn cưa đôi tài sản như các cặp vợ chồng khác khi ly hôn cũng không được. Cô dọa sẽ kiện ra tòa nhưng bạn trai cô – vốn là sinh viên luật- chỉ cười khẩy: “Con kiến mà kiện củ khoai”.

Luật hôn nhân gia đình bổ sung năm 2000 quy định: “Chỉ công nhận hôn nhân thực tế từ năm 1987 trở về trước”. Vì thế, những cuộc chung sống sau năm 1987, dù có đám cưới nhưng không có giấy kết hôn thì không được công nhận là hôn nhân.

Điều 8 Chương I Luật Hôn nhân gia đình cũng ghi rõ: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn” và “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Vì thế, những quyền lợi sau khi chia tay đối với những người “chung sống với nhau như vợ chồng” sẽ không được luật pháp bảo vệ.

Luật thừa nhận, luật không

Khi luật pháp lỏng lẻo về mặt kiểm soát, không can thiệp vào hành vi của các đối tượng này trong quá trình chung sống và chia tay thì sẽ khiến nhiều người chịu thiệt thòi hoặc các mâu thuẫn, xung đột mà hậu quả xã hội sẽ phải gánh chịu.

Trong khi Luật Hôn nhân gia đình không thừa nhận hôn nhân thực tế thì Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ra đời năm 2007 lại có điều chỉnh đối với các đối tượng chung sống “như vợ chồng”. Điều 2 Chương I Luật PCBLGĐ ghi rõ: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”.

Những người xây dựng Luật PCBLGĐ lý giải: Luật PCBLGĐ can thiệp vào những bạo lực phát sinh trên quan hệ tình cảm, yêu thương. Vì thế, những người chung sống với nhau như vợ chồng khi mâu thuẫn cũng có dạng bạo lực như vậy.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Gia đình và Giới: “Xã hội có nhiều biến đổi với những quan niệm mới về giá trị sống, về chuẩn mực tình yêu hay hôn nhân. Hôn nhân ngày trước có “khế ước” - “giấy giá thú” làm bằng, còn ngày nay có nhiều dạng thức linh hoạt “phi thiết chế” như chung sống trước hôn nhân, sau hôn nhân, thậm chí ngoài hôn nhân… Các đối tượng này đều nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân gia đình”.

Ông Minh cũng cho biết, ngày xưa, khi Nhà nước can thiệp chặt chẽ đến việc kết hôn, ví dụ như phải kết hôn đúng luật mới có phiếu mua vật dụng gia đình, đảng viên kết hôn phải báo cáo tổ chức, phải đi điều tra lý lịch kỹ càng… cũng giúp cho hôn nhân trong xã hội có ít “bộ mặt” hơn hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem