Cần thực hiện 4 giải pháp và 3 khâu đột phá

Thứ năm, ngày 05/12/2013 10:01 AM (GMT+7)
Trước việc tăng trưởng của ngành nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: “Nông nghiệp tăng trưởng chậm do đâu?”.
Bình luận 0
Thủ tướng đề nghị thực hiện một loạt các giải pháp để ngành này phát triển, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Xung quanh vấn đề này, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) nhận định: Về khách quan, do khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng suy thoái, cầu tiêu dùng nông sản giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, các dự án suy giảm và đóng cửa, lao động nông thôn mất việc làm, nguồn vốn hỗ trợ cho nông nghiệp càng giảm trong khi rủi ro về dịch bệnh, thiên tai, thị trường ngày càng tăng.

Tăng trưởng nông nghiệp năm 2013 dự kiến chỉ đạt 3%.
Tăng trưởng nông nghiệp năm 2013 dự kiến chỉ đạt 3%.

Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân chính làm cho tăng trưởng chậm trong nông nghiệp ở chủ quan hơn là khách quan. Đó là, đầu tư cho nông nghiệp thấp kéo dài nhiều năm làm cho cơ sở hạ tầng lạc hậu, khoa học công nghệ yếu kém, khả năng cạnh tranh của nông sản yếu đi. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã rút đi rất mạnh tài nguyên từ nông nghiệp, tạo nên sự mất cân đối về kinh tế, môi trường sinh thái, xã hội...

Thực tế, trong những năm qua, nông nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên như tăng vụ, tăng thâm canh, nặng về phát triển theo chiều rộng, giờ có vẻ như nông nghiệp đã kiệt sức. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Nền nông nghiệp của chúng ta tăng trưởng trong nhiều năm qua dựa vào khai thác ngày càng nhiều tài nguyên đất, nước, lao động... và cả huy động thêm vật tư đầu vào. Tất cả những tài nguyên đó giờ đều giảm, đất chuyển sang xây dựng khu công nghiệp, nước chuyển sang thủy điện, lao động cũng ra khỏi nông thôn, vốn ít đầu tư vào nông nghiệp, rừng bị chặt phá, thủy sản ven bờ cạn kiệt…

Do đó, không thể chỉ dựa vào tự nhiên để tăng trưởng được nữa. Nguồn lực vô tận duy nhất để có thể thúc đẩy tăng trưởng là khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, đổi mới cơ chế chính sách trong khoa học công nghệ quá chậm nên tiến bộ kỹ thuật đưa vào sản xuất không nhiều, phần đóng góp trong sản xuất nông nghiệp nhỏ. Đầu tư KHCN phải 5-10 năm mới cho kết quả, trong khi nguồn lực cũ đã cạn, mà nguồn lực mới lại chậm hình thành. Chúng ta đang ở khúc quanh nguy hiểm.

Ông đã từng nói, nông nghiệp của chúng ta đã “ăn vào vốn”, giờ nếu không có giải pháp hỗ trợ, phục hồi nông nghiệp sẽ kiệt quệ. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Bất kỳ một sức mạnh to lớn nào, cứ khai thác mãi, không chăm bón, vun trồng cũng sẽ suy yếu. Như tôi đã nói ở trên, suốt hàng chục năm tăng trưởng theo chiều rộng, chúng ta đã lấy đi quá nhiều tài nguyên nhưng không bù đắp lại, tức là ăn vào vốn rồi. Muốn thay đổi tình hình, phải kiên quyết thực hiện một số giải pháp:

Trước hết, việc cần làm ngay là phải “khoan sức cho dân”, bớt khoản thu, khoản lấy đi. Hiện dù các khoản thuế không đáng kể nhưng gần đây, nông dân nhiều nơi trả lại đất. Đất canh tác kém hiệu quả nông dân có thể bỏ hoang hoá nhưng không ai trả lại.

Nếu họ buộc phải trả đất tức là đã phải đóng góp các khoản gì đó tính theo diện tích làm dân chịu tốn kém thêm. Thứ 2, là tạo điều kiện cho người nông dân vượt qua rủi ro. Cư dân nông thôn hiện đang phải tự mình đương đầu với quá nhiều rủi ro như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau. Do vậy, cần phải cung cấp cho họ dịch vụ bảo hiểm căn bản để tránh rủi ro.

"Nếu thực hiện được đúng 4 giải pháp và 3 khâu đột phá như tôi đã nêu ở trên, chắc chắn sẽ đẩy được mức tăng trưởng nông nghiệp lên mức tăng trưởng cao đầu thời kỳ đổi mới”.
TS Đặng Kim Sơn

Thứ 3, cần những giải pháp tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, nhiều nơi người trồng trọt đang thu nhập thấp, trồng rừng thu nhập rất thấp, nhiều hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đang gặp khó khăn cũng phải có lợi.

Họ cần có chính sách để đảm bảo có được vật tư đầu vào giá cả phải chăng và có chất lượng, được hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản làm ra. Thứ 4, phải tạo điều kiện cho người làm ăn giỏi được tích tụ đất đai, hỗ trợ mua máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cho trí thức về quê; giúp doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp làm ăn có lợi và an toàn…

Thủ tướng Chính phủ đã nhận định cần phải phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Vậy theo ông, chúng ta cần tập trung đột phá vào khâu nào để phát triển nông nghiệp?

- Theo tôi, có 3 khâu đột phá, trước tiên phải đổi mới tổ chức, thể chế để giúp cho nông dân gắn bó với với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Mặt khác, phát triển khoa học công nghệ, ở đây không chỉ là tăng vốn nghiên cứu mà phải tháo gỡ cơ chế để các nhà khoa học được làm chủ, được lợi từ nghiên cứu, cán bộ khuyến nông có lợi từ chuyển giao tiến bộ KHKT, khơi thông thị trường KHCN. Đặc biệt, là phải hỗ trợ cho nông dân đầu ra, làm tốt công tác chế biến, thương mại, phát triển thị trường...theo tôi, đó là 3 khâu cần đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cần cải cách, đầu tư mạnh mẽ


Giai đoạn 2006-2010, nông nghiệp có mức tăng trung bình 3,2-3,3% nhưng nay chỉ cỡ 3%. Tôi cho đây là mức giảm đáng lo ngại, thể hiện mô hình tăng trưởng nông nghiệp đã hết giới hạn tự nhiên và cần có sự cải cách, đầu tư mạnh mẽ. Nông nghiệp chiếm 18-19% GDP và trên 40% sức lao động nhưng hiện chưa được đầu tư tương xứng, kể cả vốn từ ngân sách. Tín dụng cũng chảy về nông nghiệp nông thôn thấp một cách lo ngại. 65% tổng xuất khẩu nông sản cả nước là của ĐBSCL nhưng tín dụng về đây chỉ có 9%, vậy người nông dân sản xuất như thế nào khi không có vốn?! Mô hình canh tác với ruộng nhỏ, manh mún đang tỏ ra kém hiệu quả. Một số ngành như cà phê, tiêu, điều, chăn nuôi ngày càng khó cạnh tranh khi hội nhập... Tôi cho rằng, đã đến lúc phải tái cấu trúc nền nông nghiệp, từ chính sách, nguồn nhân lực đến đầu tư. Chúng ta phải có thái độ nghiêm túc với nông dân thì mới tránh được tụt hậu cho khu vực này.


Trưởng Ban chính sách nông nghiệp, nông thôn (Viện quản lý kinh tế Trung ương -CIEM), ông Lưu Đức Khải:Tăng hỗ trợ cho nông thôn


Nông dân là đối tượng thuộc nhóm dễ tổn thương. Hiện nay dù rất nỗ lực song các hình thức hỗ trợ từ phía Chính phủ giúp nông dân đối mặt tốt hơn với các rủi ro, bao gồm các dịch vụ khuyến nông, thông tin thị trường, các chương trình đào tạo, dạy nghề và các khoản trợ cấp... vẫn chưa đủ để khu vực này phát triển. Ngành nông nghiệp vẫn nhận quá ít từ những chính sách do WTO đem lại, thậm chí gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh. Do vậy, việc thực thi các chính sách phù hợp hỗ trợ tăng cường khả năng đối phó với rủi ro các hộ gia đình ở nông thôn để giúp các hộ này không bị rơi sâu vào bẫy nghèo đói do ảnh hưởng của các cú sốc bất lợi và trên hết là cung cấp một mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả để đạt được tăng trưởng bền vững và công bằng hơn là hết sức cần thiết cho nông thôn lúc này.
Mai Hương (ghi)

Thanh Xuân (thực hiện) (Thanh Xuân (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem