Cần ứng xử có văn hóa với di sản

Thứ sáu, ngày 16/04/2010 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Với các di tích lịch sử, ở Huế hay ở đâu cũng thế, chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng, phải coi đó là tài sản chung của dân tộc, của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta", NSND Hải Ninh tâm sự.
Bình luận 0
img
Cảnh trong phim “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn, NSND Hải Ninh.

Cách đây 21 năm, NSND Hải Ninh đã từng quay 2 tập phim lịch sử “Đêm hội Long Trì” tại kinh thành Huế trong suốt gần nửa năm mà không để lại điều tiếng gì. Xung quanh “sự cố” của đoàn phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, NSND Hải Ninh đã bày tỏ suy nghĩ của mình.

NSND Hải Ninh nói: Việc đoàn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” sử dụng nơi thờ Vua Minh Mạng và Hoàng hậu làm trường quay, tôi không được tận mắt chứng kiến nên tôi không bình luận gì cụ thể.

Nhưng với tư cách là một người đã từng làm phim lịch sử tại cố đô Huế, tôi xin phép được phát biểu thế này: Với các di tích lịch sử, ở Huế hay ở đâu cũng thế, chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng, phải coi đó là tài sản chung của dân tộc, của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta.

Đó là những gì đại diện cho văn hoá, lịch sử của dân tộc, vì vậy, những người làm công tác liên quan đến văn hoá lại càng phải thấm nhuần điều này để có một cách ứng xử thế nào cho có văn hoá nhất.

Cách đây hơn 20 năm, ông đã làm “Đêm hội Long Trì” ngay trong kinh thành Huế. Lúc đó ông có gặp phải sự phản ứng nào không?

- Việc làm phim của chúng tôi diễn ra rất êm xuôi thuận lợi. Trước khi quay, chúng tôi đến xin phép và làm việc trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng di tích, nếu có phải xáo trộn thì là việc “cực chẳng đã”.

Sau khi quay xong, đích thân tôi và người hoạ sĩ thiết kế phải đi thẩm tra từng chi tiết, xem chỗ nào bị xâm hại thì phải sửa lại nguyên trạng trên cơ sở đảm bảo giống như cũ rồi mời Ban quản lý di tích đến nghiệm thu.

Vai trò của người hoạ sĩ thiết kế bối cảnh trong việc này hết sức quan trọng, không thể làm ẩu, làm ẩu là bất kính với lịch sử.

Chiều 15-4, ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho NTNN biết: “Đến nay tôi cũng như lãnh đạo Bộ chưa nhận được thông tin về những sai phạm của đoàn làm phim “Thái sư Trần Thủ Độ” tại lăng Vua Minh Mạng nên chưa thể đưa ra ý kiến. Cũng trong chiều 15-4, một lãnh đạo Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL) cũng cho hay là chưa biết gì về vụ việc này.

Việc đoàn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” “chiếm giữ” khu điện thờ để làm trường quay và cấm du khách đến gần đã khiến nhiều người rất bất bình. Ông có nói là phim “Đêm hội Long Trì” quay tại Huế tới gần nửa năm, vậy làm sao để không ảnh hưởng đến du khách tham quan?

- À, rất đơn giản, chúng tôi toàn quay vào ban đêm hoặc tận dụng tối đa lúc không có khách tham quan để quay. Mình đã đến “nhờ vả” người ta, làm sao lại dám làm phiền như thế được? Chính vì vậy mà thời gian quay phim bị kéo dài ra, tất nhiên làm phim thời trước nó cũng khác. Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, chắc có lẽ người ta khó mà chịu “nín nhịn” như vậy.

Thưa ông, việc mượn một khu di tích lịch sử để làm trường quay sẽ không thể tránh khỏi những chuyện này chuyện nọ. Là một người gắn bó cả đời với điện ảnh, qua chuyện này, ông có thấy buồn không?

- Chuyện thiếu trường quay cho điện ảnh tôi đã nói mãi rồi, nói mấy chục năm nay rồi. Phim “Đêm hội Long Trì” của tôi cần kiến trúc thời Lê Trịnh, phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cần kiến trúc thời Lý Trần, việc vào Huế lấy kiến trúc thời Nguyễn làm bối cảnh chẳng qua cũng là chuyện cố “ép duyên” lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thôi.

Ngay bản thân những người làm phim cũng không sung sướng gì. Để làm phim lịch sử phải có truyền thống làm phim, có trường quay. Cái đó chúng ta không hề có và hình như cũng không ai chịu để tâm.

Tôi biết gần đây có đoàn phim phải đưa nhau sang tận trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc) để quay, đấy cũng là một cách “nhắm mắt đưa chân” mà thôi. Không đầu tư cho điện ảnh làm phim lịch sử, rồi thì người ra lại kêu ca là lớp trẻ VN sao lại như thế, không hiểu biết gì về lịch sử, không yêu lịch sử. Những người làm điện ảnh chúng tôi biết kêu ai?

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Xuân Diện- Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Một cách làm thiếu hiểu biết

Việc toàn bộ long vị Vua, bàn thờ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa cùng dòng tộc Nguyễn Phước tại chánh điện bị di dời xếp vào góc tường là việc làm xúc phạm đến các di tích lịch sử, văn hoá dân tộc, xúc phạm cháu con dòng họ Nguyễn. Lăng Minh Mạng là nơi mọi người đến thể hiện sự tôn kính với đức vua, với văn hoá và lịch sử dân tộc, một nơi để tham quan nghiên cứu, học tập, chứ không phải phim trường.

Theo tôi đây là một cách kiếm tiền thiếu hiểu biết. Việc dựng bối cảnh phòng ngủ của hoàng hậu (nhân vật trong phim), và việc các diễn viên vô tư thoải mái chụp ảnh nô đùa như báo phản ánh tại một nơi tôn nghiêm như lăng Vua Minh Mạng là điều không thể chấp nhận được, đó là một sự xúc phạm tín ngưỡng.

Ủy ban UNESCO của Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cần phải chấm dứt việc cho thuê mượn di tích làm trường quay, không chỉ trong phim này mà những phim sau này, kể cả phim ca nhạc. Qua đây cũng là lời cảnh báo Ban quản lý các di tích cổ trên toàn quốc khi cho các đoàn làm phim đến để quay phim, cần có sự thận trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem