Giờ thì đình được xếp hạng di tích quốc gia nên Nhà nước cho tiền sửa. Thế là đất được moi lên, giếng được khơi lại, tuy không rộng như xưa, không bờ đất như xưa nhưng được cái bê tông tới đáy. Mấy chục phân nước đọng nổi rêu xanh lè.
Đang hào hứng với cái đình thì một anh nghĩ ra sáng kiến: Còn cái nhà “văn hóa thôn” chưa có, tiêu chuẩn phải được lĩnh chứ. Xã gãi đầu: Đất đâu, nhà cửa ken cứng như nêm rồi…
Thì ra người nêu sáng kiến đã ngó thấy chỗ mà xã không nghĩ tới, đó là cái ao đình bên đường làng. Ao ấy lâu nay thành chỗ chứa rác thải, cứ bé dần từ trăm rưởi xuống còn trên trăm mét. Nghe hợp lý quá.
Có ý kiến không nên, xin được vét ao bó vỉa để cho cảnh quan đỡ bị nặng nề chèn ép. Nhưng con số gần tỷ đồng cho xây nhà văn hóa làm nhức mắt mấy ông có chân trong “dự án” văn hóa thôn. Bó là bó thế nào, phải xây thôi. Gần tỷ đồng được thành phố cho, tội gì…
Thế là chỉ vì hám tí tiền được cấp mà trên trăm mét ao được lấp nhanh như điện. Cái nhà văn hóa chả văn hóa tí nào suốt ngày khóa cửa. Một năm một lần hội đình thì được mượn để bày cỗ. Còn cái sân, năm thì mười họa đám choai ra chơi cầu lông. Có lần tôi vào nhà văn hóa thấy nó trống trơn, một giá sách cũng không có. Phía đầu hồi có sàn sân khấu nhỏ xây cao hơn nửa mét. Góc phải trưng cái TV to đoành không bao giờ thấy mở, phía trái trang trí cờ Đảng, cờ nước và tượng Cụ Hồ bằng thạch cao.
Càng có tiền càng bày vẽ vôi ve càng hỏng. Thực ra cái lãng phí lớn hơn cái mà ban dự án thôn cậy được ra cho vào túi riêng. Chuyện này không cá biệt, tràn lan nhiều nơi. Cái mô hình nhà văn hóa thôn nhiều chỗ trở thành những căn nhà hoang vô chủ. Cũng chỉ vì những dự án văn hóa chia chác. Có tiền thì càng ngày càng hỏng. Khổ thế!
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.