Càng tuyến trên càng sính thuốc ngoại

Thứ ba, ngày 21/08/2012 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các bệnh viện huyện, tỉnh chỉ dùng thuốc ngoại với tỷ lệ từ 40-60%, nhưng tỷ lệ này ở 34 bệnh viện (BV) trung ương là gần 90%.
Bình luận 0

Đây là số liệu được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” tổ chức ngày 20.8 tại?Hà Nội.

2.000 người - 1 cửa hàng thuốc

Theo ông Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 DN sản xuất thuốc tân dược, 80 DN đông dược và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược tham gia thuốc y học cổ truyền. Năm 2009, người Việt chi khoảng 1,2 tỷ USD cho dược phẩm. Dự kiến đến năm 2013, chi phí này sẽ tăng lên khoảng 1,7 tỷ USD.

img
Người Việt đang lạm dụng thuốc ngoại. Đàm Duy

Toàn quốc cũng có 43.629 cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có hơn 10.000 nhà thuốc tư nhân. Tính trung bình cứ 2.000 người dân có một cơ sở bán lẻ thuốc. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc Việt so với thuốc ngoại rất thấp. Cụ thể, các BV công lập sử dụng 61% thuốc ngoại với tổng số tiền mua thuốc năm 2010 là trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009.

Các BV trung ương cũng sính thuốc ngoại hơn các BV tuyến dưới. Cụ thể, 34 BV trung ương năm 2009 sử dụng 87,7% thuốc ngoại, năm 2010 tăng lên 88,1%. Còn tuyến tỉnh là 66,1%, tuyến huyện là 38,5%. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Đa phần các bệnh nhân phải lên tuyến trên là bệnh trọng, phải dùng nhiều loại thuốc chuyên biệt mà trong nước không có”.

Ông Nguyễn Văn Tựu – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, tình trạng thuốc ngoại được nhập khẩu ồ ạt và đánh bật thuốc nội là do phí đăng ký thuốc ngoại vào Việt Nam còn quá thấp (khoảng 200USD/sản phẩm) trong khi chi phí đăng ký thuốc của VN vào các nước rất cao (ở Nga là 3.000-5.000USD/sản phẩm). Do vậy, các công ty nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký nhiều, thậm chí nhiều mặt hàng trùng lặp với thuốc Việt nên các DN trong nước phải cạnh tranh hết sức gay gắt.

“Hơn 70% dân số nước ta là nông dân, đời sống vẫn đang hết sức khó khăn. Họ chỉ cần thuốc để chữa khỏi bệnh chứ không nhất thiết dùng biệt dược ngoại nhập đắt tiền. Kê đơn thuốc nội thay vì thuốc ngoại, chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều người bệnh thay vì chỉ một người với cùng một mức kinh phí như nhau” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Lạm dụng thuốc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, người dân Việt Nam chi từ 60-70% chi phí y tế vào thuốc. Trong đó, các BV huyện chi cho thuốc là 54% tổng chi, tuyến tỉnh là 70% và tuyến trung ương là 64%. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho mua thuốc của các BV chủ yếu là từ BHYT (chiếm 66%) và viện phí (29%).

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết quả đấu thầu thuốc của một số tỉnh cũng cho thấy, tại Vĩnh Long, tổng chi phí thuốc năm 2012 tăng gần 1,7 lần so với năm 2011, số mặt hàng sản xuất trong nước chiếm 30% và chiếm 39% tổng chi phí.

Dự thảo lần 4 đề án Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam vạch ra mục tiêu, đến năm 2015, tăng tỷ lệ người Việt dùng thuốc Việt từ 47% lên 70%.

Còn tại tỉnh Phú Yên, tiền mua thuốc năm 2012 gấp hơn 2 lần năm 2011, số mặt hàng thuốc Việt chiếm 75% nhưng tỷ lệ chi phí thuốc Việt lại chỉ chiếm 40% tổng chi phí. “Như vậy, tỷ trọng thuốc Việt khác nhau giữa các cơ sở y tế cùng tuyến và hạng BV, giá thuốc cùng loại cũng chênh lệch khá nhiều” – ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

“Quỹ BHYT đang chịu áp lực lớn về gia tăng chi phí thuốc, dịch vụ kỹ thuật. Khi chi phí thuốc cao quá 60% tổng chi phí y tế, nếu không “kìm” lại và giảm bớt thì sẽ gây ra nhiều hậu quả như vỡ quỹ, kháng kháng sinh…” – ông Thảo cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem