Hiện nay, mỗi ha mắc ca có thể cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy, "hiện nay “hoàng hậu quả khô" (tên gọi khác của cây mắc ca) là sự lựa chọn số một của nhiều nhà vườn Tây Nguyên.
Thích nghi với đất Tây Nguyên
Cây mắc ca có mặt tại Lâm Đồng chỉ trong vòng 6 năm nay, do Công ty TNHH Mắt Đá đưa về trồng. Theo các cán bộ kỹ thuật, 1ha trồng được khoảng 400 cây mắc ca (trồng xen với một số cây trồng khác như chuối, cà phê…). Đến năm thứ 5, mắc ca bắt đầu cho quả, sang năm thứ 7 thì chính thức được đưa vào kinh doanh hàng hóa.
|
"Hoàng hậu quả khô" đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà vườn nhưng cần có định hướng phù hợp. |
Tính bình quân, từ năm thứ 10 trở đi, 1 cây mắc ca cho bình quân 30kg quả (tuổi đời của cây mắc ca lên đến cả trăm năm) thì mỗi ha mắc ca mang lại một nguồn lợi khổng lồ cho người nông dân: 2,5 tỷ đồng (tính giá chỉ 200.000 đồng/kg; thực tế giá thị trường hiện nay từ 350.000 - 400.000 đồng/kg - PV). Với doanh thu này, hiện khó có loại cây trồng nào theo kịp cây mắc ca.
Khu vườn rộng hơn 0,7ha của ông Nguyễn Đức Ba ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), Công ty Mắt Đá đã hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật, phân bón… để xây dựng thành mô hình thử nghiệm và cũng là mô hình mẫu về cây mắc ca ở Lâm Đồng từ tháng 6.2006.
Đến nay, sau 6 năm trồng khảo nghiệm, 300 cây mắc ca trong vườn nhà ông Ba đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Trung bình mỗi cây thu được 7kg quả mắc ca; nếu tính giá "bèo" khoảng 300.000 đồng/kg thì sản lượng 2,1 tấn quả của vườn mắc ca mang lại cho gia chủ nguồn thu trên 600 triệu đồng.
"Đến năm thứ 10 trở đi, vườn mắc ca nhà ông Ba sẽ đạt trung bình 30kg mỗi cây. Lúc đó, số tiền có được từ việc bán hạt mắc ca sẽ tính bằng con số hàng tỷ" - ông Trần Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Mắt Đá khẳng định.
Lời cảnh báo
Thông tin về cây mắc ca cho thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng trên 1ha đất trồng khiến cho gần đây, hàng loạt nhà vườn trên khắp tỉnh Lâm Đồng và Tây Nguyên đi truy lùng cây giống mắc ca mang về trồng. Theo quan sát của một số cán bộ kỹ thuật, qua trồng khảo nghiệm trên đất Lâm Đồng, giống mắc ca nhập ngoại này đã cho năng suất cao gấp nhiều lần so với "đất gốc" Australia và so với nhiều nước khác có trồng thử nghiệm mắc ca như Trung Quốc, Mỹ, Pháp…
Hiện tại, ở nhiều địa phương Lâm Đồng, Đồng Nai, Đăk Lăk, Đăk Nông… đã hình thành rất nhiều cơ sở ươm giống “hoàng hậu quả khô” để bán cho bà con nông dân khắp vùng.
Qua khảo sát tại một số cơ sở giống ở Đức Trọng (Lâm Đồng), điều khiến chúng tôi thực sự bất ngờ là giá cây giống này rẻ đến bất thường: Chỉ không đến 50.000 đồng/cây; trong khi đó, theo khẳng định gần đây nhất của ông Trần Vinh: "Một cây mắc ca giống có giá lên đến trên dưới 400.000 đồng”.
Theo tiết lộ của ông Vinh, cả 300 cây giống ở vườn thực nghiệm tại gia đình ông Ba đều được ghép mắt nhập từ nước ngoài về (có bản quyền). "Giống cây đặc biệt này, không phải giống như nhiều loại cây trồng khác là cứ ươm hạt rồi mang ra vườn trồng hoặc khá hơn là ghép cành là nó cho quả".
Một cán bộ nông nghiệp ở huyện Lâm Hà cho biết: "Phòng chuyên môn chúng tôi đã đưa ra lời khuyến cáo bà con nông dân không nên phát triển cây mắc ca một cách ồ ạt, nhất là chưa thể kiểm soát được vấn đề cây giống như trong tình hình hiện nay". Tuy nhiên, khuyến cáo đó của phòng chuyên môn huyện Lâm Hà xem ra chưa mang lại kết quả thiết thực.
Không biết trong vài năm tới, điều gì sẽ xảy ra đối với những vườn mắc ca tự phát đang được nông dân lập nên ồ ạt khắp vùng Tây Nguyên như hiện nay?
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.