Đến khổ, chăm mỏi lưng mà súp lơ vẫn "điếc đặc", mọc lông, nông dân Tứ Kỳ của Hải Dương ngán ngẩm

Nguyễn Việt Thứ tư, ngày 21/12/2022 10:02 AM (GMT+7)
Trồng súp lơ, cần mẫn, chăm bón, tưới tắm cả mấy tháng trời, nhiều nông dân huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) ngỡ như sẽ thắng lớn để có cái Tết đủ đầy. Ai ngờ, cánh đồng súp lơ càng chăm sóc càng "điếc đặc" không ra hoa hoặc có ra hoa thì bị mọc lông phải vứt bỏ...
Bình luận 0

Trồng súp lơ "điếc đặc", nông dân đang mừng thì rước nỗi lo

Nhiều ngày nay, nông dân nhiều xã của huyện Tứ Kỳ đang "nổi sóng" bức xúc về tình trạng những cánh đồng súp lơ không ra hoa hoặc ra hoa nhưng bị hỏng, không bán được. Nhiều gia đình chặt bỏ cây súp lơ, để thay bằng cây rau vụ đông khác cho kịp thời vụ. 

Nhiều người trồng súp lơ đã kéo đến đại lý bán hạt giống súp lơ để phán ánh làm rõ sự tình.

Phóng viên Dân việt đã có mặt tại nhiều địa phương của huyện Tứ Kỳ để tìm hiểu vấn đề này. Có mặt trên cánh đồng trồng cây rau màu của thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, nhiều bà con nông dân cần mẫn làm việc trên đồng. 

Ở nhiều ruộng súp lơ, người dân tỉ mẩn vạch từng lá cây súp lơ để kiểm tra xem cây có biểu hiện ra hoa không, có ruộng súp lơ người dân bỏ không chăm sóc. Vì quá thời gian ra hoa mà hàng trăm cây súp lơ vẫn "điếc", chỉ cây lá xanh rì.

Hải Dương: Súp lơ "điếc", nhiều nông dân trồng súp lơ lo mất tết - Ảnh 1.

Nông dân trồng súp lơ thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nóng ruột kiểm tra tình hình cây súp lỡ của gia đình có biểu hiện ra hoa hay không. Ảnh : Nguyễn Việt

Hải Dương: Súp lơ "điếc", nhiều nông dân trồng súp lơ lo mất tết - Ảnh 2.

Nông dân trồng súp lơ thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo nóng ruột kiểm tra tình hình \. Ảnh: Nguyễn Việt

Khi được hỏi về tình hình, bà Nguyễn Thị Văn đang tưới cho ruộng su hào, dừng lại nói nỗi lòng của người dân trông súp lơ. Bà Văn dẫn tôi đến ruộng súp lơ của gia đình bên kia đường. Vụ súp lơ này, gia đình bà trồng 3 sào. 

Mọi năm, từ trồng súp lơ, bà Văn nhẹ nhàng cũng thu được 10 triệu đồng/sào. Với 3 sào súp lỡ bà bỏ túi 30 triệu đồng. Còn năm nay, 3 sào súp lơ của phần lớn không ra hoa, lác đác có cây ra hoa thì hoa nhỏ mọc lông.

Bà Văn cho biết: "Mọi năm vẫn giống cây súp lỡ ấy vẫn ra hoa bình thường, không hiểu sao năm nay lại "điếc đặc" không ra hoa. Phản ánh đến Đại lý cung cấp hạt giống họ bảo do thời tiết. Với kinh nghiệm trồng cây rau màu, với thời tiết lạnh như này quá đẹp để cây súp lơ phát triển, ra hoa. Với tình hình này, người dân trồng súp lơ chúng tôi mất Tết còn gì".

Không chỉ mình bà Văn lo mất Tết mà hầu hết nông dân trồng súp lơ ở Ô Mễ cũng chung nỗi lo đó.

Có 1 gia đình ở thôn Ô Mễ trồng 6 sào súp lơ, nhưng trồng muộn hơn 20 ngày so với nhiều gia đình khác thì vẫn tin, mong rằng thời tiết tiếp tục lạnh sẽ giúp điều "thần kỳ" sẽ đến với 6 sào súp lơ của gia đình. Họ mong rằng, 6 sào súp lơ sẽ ra hoa đẹp. Sống trong hi vọng là vậy nhưng người chủ của 6 sào súp lơ này cũng không khỏi lo lắng sẽ mất mùa, mất Tết vì tất cả đều trồng cùng giống súp lơ.

Trò chuyện với những người dân trồng súp lơ nơi đây, được biết họ trồng 2 giống súp lơ là Phù Sa 68 và Phù Sa 100 của Công ty TNHH Thương mại hạt giống và nông sản Phù Sa (có địa chỉ ở đường Gò Dầu, phường Tân Qúy, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) được phân phối bởi đại lý cấp 1 ở xã Hưng Đạo.

Vợ chồng lục đục vì súp lơ "điếc", hỏng không bán được

Đến những địa phương trồng cây súp lơ cũng dễ bắt gặp những cánh đồng súp lơ không ra hoa hoặc ra hoa bị hỏng, bỏ hoang.

Đến trưa, trên đường đến xã Tái Sơn, ở cánh đồng súp lơ ven đường chúng tôi thấy có người đàn ông đang vạch từng cây súp lơ để kiểm tra. Cành đồng súp lơ khá rộng tầm gần 2 mẫu.

Hỏi chuyện được biết, người nông dân đó là Phùng Văn Ánh, thôn Thượng Sơn, xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ. Năm nay, ông Ánh trồng 6,7 vạn cây lơ trên diện tích hơn 6 mẫu. Đến giờ hơn 3 tháng gia đình ông vẫn chưa bán, thu được đồng nào. Bởi vì, các ruộng súp lơ của gia đình đa phần bị "điếc", còn có ruộng ra hoa thì bị hỏng, không bán được. Ông Ánh đã đầu tư hơn 4 triệu đồng/sào, tính ra ông Ánh đã chi phí vài trăm triệu đồng vào súp lơ.

Hải Dương: Súp lơ "điếc", nhiều nông dân trồng súp lơ lo mất tết - Ảnh 3.

Ruộng súp lơ ra hoa thì lại bị hỏng, có hộ nông dân trồng súp lơ chưa có thu hoạch, thu nhập.

Theo ông Ánh, cây súp lơ đều gieo từ vỉ ra, trồng cùng một ngày, có ruộng không ra hoa, có ruộng ra hoa, những ruộng ra hoa thì từ trong nõn, bằng ngón tay đã mọc lông. "Tôi có thể khẳng định là do cây giống, chẳng lơ nào trồng hơn 3 tháng mà chưa ra hoa" – ông Ánh cho hay.

Để chứng minh, ông Ánh vạch cho chúng tôi xem nhiều cây súp lơ không có biểu hiện lơ ra hoa.

Như các năm được mùa, với diện tích hơn 6 mẫu, gia đình ông Ánh lãi hơn 300 triệu đồng. Còn năm nay, nếu mất trắng, ông Ánh thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Ông Ánh cho biết, không chỉ toàn bộ hơn 6 mẫu lơ của gia đình ông bị hiện tượng này mà các hộ trồng súp lơ ở địa phương ông đều bị tương tự. Hộ có nhiều diện tích cố để xem, thời tiết tiếp tục rét có giúp lơ phát triển ra hoa không. Hộ diện tích ít thì họ sẵn sàng chặt bỏ sớm để trồng loại cây rau khác cho kịp thời vụ để mong gỡ gạc lại vụ lơ.

Hiện nay, không khí gia đình ông Ánh thường xuyên rơi vào tình trạng lúc rầu rĩ, lúc căng thẳng, vợ chồng to tiếng, gia đình lục đục mà theo cách nói của ông là do chăm chỉ quá, trồng nhiều lơ quá. Khi lơ không ra hoa, không những không có doanh thu, lại còn lỗ hàng trăm triệu tiền đầu tư, chăm bón dẫn đến gia đình vợ chồng lục đục.

Ông cũng chia sẻ thêm, để giữ hòa khí trong gia đình, nhiều lúc ông cũng tránh gặp vợ. Vì chạm mặt nhiều, ông dễ lại phải nghe "ca nhạc".

Cũng theo ông Ánh, tình trạng gia đình lục đục vì cây lơ không chỉ có gia đình ông mà nhiều gia đình có diện tích lớn, lỗ hàng trăm triệu đồng cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Ánh cũng mong, các cấp chính quyền, ngành chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng súp lơ để giảm bớt khó khăn, thiệt hại trong lúc này.

Theo người dân phản ánh, mọi năm, hạt giống Súp lơ Phù Sa 68 và Phù Sa 100 đều cho ra hoa đẹp, bán được giá. Không hiểu sao hạt giống năm nay lại không bảo đảm chất lượng, cây không ra hoa hoặc ra hoa lại hỏng, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay.

Hải Dương: Súp lơ "điếc", nhiều nông dân trồng súp lơ lo mất tết - Ảnh 4.

Thực trạng súp lơ có hoa bị hỏng xảy ra ở nhiều hộ

Hải Dương: Súp lơ "điếc", nhiều nông dân trồng súp lơ lo mất tết - Ảnh 5.

Những cây súp lơ có hoa nhưng bị hỏng và không bán được.

Trao đổi với người dân về nguyên nhân vì sao cây úp lơ không ra hoa, do thời tiết hay do hạt giống?. Nhiều người dân cho rằng, thời tiết lạnh như này rất thuận lợi cho cây súp lơ phát triển. Nhiều khả năng súp lơ không ra hoa là do chất lượng hạt giống kém.

Theo lãnh đạo xã Tái Sơn, vụ đông năm nay, toàn xã trồng được trên 40 ha súp lơ, trong đó có khoảng hơn 20 ha giống su lơ Phù Sa 68 và su lơ Phù Sa 100 của Công ty TNHH Thương mại hạt giống và nông sản Phù Sa phải chặt bỏ vì không ra hoa, hoa bị hỏng không bán được.

Toàn huyện Tứ Kỳ có khoảng 300 ha trồng cây súp lơ, trong đó chủ yếu trồng ở các xã Hưng Đạo, Tái Sơn, Minh Đức, Ngọc Kỳ, Đại Sơn, Tân Kỳ... Nhiều năm qua, cây súp lơ luôn là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực, giúp người nông dân có cuộc sống sung túc.

Tuy nhiên, năm nay nhiều nông dân trồng súp lơ của huyện Tứ Kỳ rơi vào cảnh thua lỗ vì trồng phải giống súp lơ chất lượng kém.

Thông tin từ UBND huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), lãnh đạo huyện này đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các địa phương khẩn trương tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích và xác định nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ cho nông dân trồng súp lơ.

Hi vọng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng của huyện, của tỉnh và doanh nghiệp cung cấp hạt giống sẽ sớm giải quyết, hỗ trợ kịp thời cho nông dân để giảm thiểu thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem