Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ chăm rau xanh tốt, nông dân khỏe

Trần Quang Thứ sáu, ngày 21/10/2022 12:38 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân tham gia Dự án "Xây dựng mô hình Hội Nông dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" ở Hải Dương cho biết, nhờ phân loại, thu gom, xử lý rác thải từ nguồn nên môi trường sống sạch, bà con có thêm phân bón chăm rau màu hiệu quả.
Bình luận 0
Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, môi trường sạch, nông dân khỏe - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thăm mô hình thuộc Dự án "Xây dựng mô hình Hội Nông dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" tại hộ dân ở xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, (Hải Dương). Ảnh: TQ

Dân chủ động phân loại rác thải, môi trường sạch

Ngày 21/10, đến thăm mô hình tại gia đình ông Trần Văn Đạt (56 tuổi) ở thôn Tiên Động, xã Hồng Phong, các thành viên trong đoàn công tác Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân huyện, tỉnh Hải Dương được chứng kiến phương pháp phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt thành phân bón hữu cơ rất hiệu quả.

Theo ông Đạt, trước đây, gia đình ông thường bỏ rác thải khắp vườn nhà, cổng, ngõ nhưng từ tháng 6/2022 được cán bộ của dự án hỗ trợ thùng chứa, men vi sinh, dụng cụ làm vườn... và hướng dẫn cách phân loại rác, các thành viên trong gia đình đã chủ động phân loại, thu gom từ nguồn rất bài bản.

"Đến nay, thường ngày chúng tôi sẽ phân loại các loại rác ra thành 3 loại, trong đó, loại rác rau, phụ phẩm nông nghiệp bỏ vào thùng chứa ủ men vi sinh khoảng 2 tháng sau sẽ thành phân chăm bón cho rau, cây ăn quả... rất xanh tốt mà không phải dùng phân hóa học như trước đây", ông Đạt nói.

Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, môi trường sạch, nông dân khỏe - Ảnh 3.

Ông Đạt kiểm tra phân hữu cơ sau sau 2 tháng ủ bằng men vi sinh, rác rau, phụ phẩm nông nghiệp dùng để chăm bón cây trồng tại gia đình. Ảnh: TQ

Cùng tham gia mô hình với gia đình ông Đạt, ông Hoàng Xuân Dục ở thôn Tiên Động cho biết, từ khi tham gia mô hình, gia đình ông đã phân loại, thu gom hết các loại rác thải giúp cho môi trường sống, sản xuất luôn xanh - sạch - đẹp.

"Sau một thời gian tham gia ủ phân hữu cơ, chúng tôi có đủ phân để bón cho rau trên sân thượng rất xanh tốt, đảm bảo cho gia đình luôn có đủ rau xanh ăn hàng ngày", ông Dục chia sẻ.

Ông Hoàng Thành Mạnh - Chủ tịch Hội ND xã Hồng Phong cho hay: Hiện xã đang có 2 hố rác tập trung đều đầy, quá tải, trong khi đó, rác thải sinh hoạt thải ra tại các hộ dân trên địa bàn ngày càng nhiều nên việc thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình Hội Nông dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" mang lại hiệu quả rất thiết thực, vừa giúp dân thay đổi tư duy, hành vi thu gom, xử lý rác từ nguồn vừa giúp cải thiện môi trường ở địa phương.

Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, môi trường sạch, nông dân khỏe - Ảnh 4.

Ông Đỗ Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) thăm mô hình phân loại, thu gom rác, và xử lý thành phân hữu cơ tại hộ gia đình ở thôn Tiên Động, xã Hồng Phong. Ảnh:TQ

"Thời gian đầu thực hiện dự án, việc vận động, tuyên truyên bà con tham gia còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã kiên trì và làm các mô hình mẫu và lan tỏa mô hình ra toàn xã rất nhanh. Đến nay, đã có 135 hộ dân tham gia phân loại, thu gom và xử lý rác thành phân hữu cơ tại gia đình. 

Tính đến thời điểm này, các hộ đã xử lý được 15 tấn rác hữu cơ, tạo thành hơn 3,7 tấn phân bón hữu cơ giúp chăm sóc cây trồng hiệu quả, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất nông nghiệp", ông Mạnh khẳng định.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Để tiếp tục thực hiện mô hình và tăng hiệu quả dự án, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong kiến nghị Hội Nông dân cấp trên, các doanh nghiệp có thêm hỗ trợ, men vi sinh để bà con yên tâm phân loại, thu gom rác làm phân và cải thiện môi trường ở địa phương.

Ông Phạm Đức Hội - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã và đang thực hiện những dự án, mô hình lớn của Trung ương HND Việt Nam như xây dựng mô hình trồng dưa chuột an toàn, hỗ trợ và củng cố chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã tại xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ; Dự án "Hỗ trợ Marketing cho Tổ hợp tác Nấm sạch Sao Mai" tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách; Dự án hỗ trợ vốn vay cho các hộ nông dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Tất cả các dự án đều có kết quả thực hiện tốt.

Theo ông Hội, về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cũng rất tích cực chỉ đạo, tổ chức, thực hiện. Hội Nông dân các cấp tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 93 mô hình điểm về nông dân tham gia bảo vệ môi trường, trong đó có 68 mô hình "Cánh đồng không rác thải"; 30 mô hình nông dân thu gom phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Đây là những con số cho thấy sự nỗ lực, tích cực vào cuộc trong công tác bảo vệ môi trường của các cấp Hội ND trong tỉnh.

Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, môi trường sạch, nông dân khỏe - Ảnh 5.

Ông Hoàng Xuân Dục ở thôn Tiên Động thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón chăm sóc rau trên sân thượng của gia đình. Ảnh: TQ

Đối với công tác xây dựng mô hình điểm về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, ông Hội cho biết: Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo, tổ chức, thực hiện 3 dự án lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ quản tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc với 149 hộ tham gia; tại xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang với 135 hộ tham gia và dự án tại xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện với 135 hộ tham gia. 

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã huy động nguồn kinh phí Trung ương Hội hỗ trợ 135 thùng ủ rác thải hữu cơ thành phân bón (thùng bằng nhựa, hình trụ, dung tích 120lít),135 chĩa 3 răng để xới rác, 160 bộ găng tay cao su và 270 gói chế phẩm Trichodema Bacillus (1kg/gói) để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6 đến tháng 12/2022.

"Kết quả thực hiện các dự án được đánh giá tốt, thực hiện được các mục đích, mục tiêu cụ thể đặt ra, bước đầu đã hình thành và ổn định được thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, làm giảm lượng rác thải phát sinh, giảm áp lực cho công tác xử lý rác thải tại bãi chôn lấp", ông Hội khẳng định.

Qua thăm các mô hình phân loại, thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại các hộ gia đình ở xã Hồng Phong, ông Đỗ Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đánh giá, bước đầu các hộ dân đã dần thay đổi được thói quen, hành vi phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón ngay tại gia đình hiệu quả.

Hải Dương: Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, môi trường sạch, nông dân khỏe - Ảnh 6.

Đoàn công tác thăm tuyến đường Chi Hội Nông dân tự quản ở thôn Tiên Động, xã Hồng Phong. Ảnh: TQ

Nhằm tăng hiệu quả của dự án, ông Hải đề nghị Hội Nông dân tỉnh Hải Dương huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, mô hình điểm trong chương trình công tác năm của các cấp Hội trong tỉnh; tăng cường chỉ đạo, định hướng, khắc phục những mặt còn hạn chế trong hoạt động của dự án.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Dự án thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo định kỳ, hướng dẫn, đôn đốc các thành viên tham gia đảm bảo tốt các nội dung hoạt động của dự án trong thời gian tới. 

Kết quả của Dự án là bước đệm để dự án có thể mở rộng quy mô hoạt động, tạo nên phong trào sôi nổi và thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem