Cao su chết hàng loạt

Thứ hai, ngày 16/08/2010 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai loại giống cao su RRiV2 và RRiV4 bỗng dưng chết hàng loạt vì dịch bệnh khiến hàng nghìn hộ dân Thừa Thiên- Huế điêu đứng.
Bình luận 0
img
Chọn giống cao su kháng bệnh tốt, nông dân sẽ giảm bớt thiệt hại.

Trắng tay

Năm 2003, gia đình ông Trần Phong Ba ở thôn Đinh Cư, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà trồng 2ha cao su theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Vài tháng trở lại đây, khi diện tích cao su này đến giai đoạn khai thác thì đột nhiên bị vàng lá, rụng lá, khô cành và chết hàng loạt.

“Để trồng và chăm sóc 2ha cao su này, tui đã vay ngân hàng 30 triệu đồng, chưa kể công lao động 7 năm trời của cả nhà và nhiều chi phí khác. Nay cao su chết vì dịch bệnh, gia đình tui đã trắng tay mà còn nợ ngập đầu”- ông Ba rầu rĩ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hơn 600ha cao su bị dịch bệnh và chết, gây thiệt hại nặng cho người dân.

Cạnh đó, gia đình anh Võ Tiến có 4ha cao su dự án trồng từ năm 2003 cũng bị bệnh tương tự và chết hàng loạt. Theo anh Tiến, khi phát hiện cao su bị bệnh, anh đã mua phân vi lượng về bón và làm cỏ để tăng sức đề kháng cho cây theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật nhưng tốc độ lây lan của dịch bệnh và số lượng cây chết vẫn không thuyên giảm. “Nếu cao su không bị bệnh thì thời gian này mỗi ngày gia đình tui sẽ thu 200- 300 nghìn đồng/ha mủ cao su” - anh Tiến buồn bã nói.

Tình trạng cao su bị bệnh và chết hàng loạt đang diễn ra tại nhiều gia đình của xã Hương Thọ với tốc độ lây lan nhanh. Toàn xã Hương Thọ đã có 60ha cao su bị dịch bệnh, trong đó 38ha bị nặng với hiện tượng cây chết hàng loạt.

Các bệnh chủ yếu là xì mủ, phấn trắng và rụng lá do bị nấm Corynespora gây hại. Tình trạng dịch bệnh làm cao su chết hàng loạt còn gia tăng ở các xã lân cận thuộc huyện Hương Trà, như Bình Điền, Hương Bình và các xã có diện tích cao su dự án lớn ở các huyện Nam Đông, Phong Điền.

Chọn nhầm giống?

Theo ông Cái Văn Thám - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên- Huế, việc cứu những diện tích cao su bị dịch bệnh tấn công gặp rất nhiều khó khăn do sức đề kháng của cây đã suy yếu.

Khi phát hiện cao su bị dịch bệnh, người dân ít quan tâm đến việc phòng chống hoặc phòng chống không đúng quy trình kỹ thuật nên dịch bệnh lây lan nhanh. Trong khi đó, chính quyền các xã chưa quan tâm tới dịch bệnh. Chưa có xã nào liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật khi dịch bệnh tấn công cây cao su ở địa phương mình.

Ông Lê Văn Chúng - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, diện tích cao su bị dịch bệnh và chết trên địa bàn hầu hết là giống cao su RRIV2 và RRIV4 do Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh cung ứng.

Nhiều khả năng do hai loại giống cao su này không thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương hoặc do khả năng chống dịch bệnh kém nên dẫn đến cây bị dịch bệnh và chết. Bằng chứng là trên cùng một diện tích người dân trồng xen kẽ giống RRIV2 và RRIV4 với những loại giống khác thì chỉ những cây thuộc hai loại giống này bị dịch bệnh và chết, những cây thuộc giống khác vẫn phát triển bình thường.

Trao đổi với NTNN, ông Hồ Đính - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- lâm- ngư tỉnh, cho biết, hai loại giống cao su RRIV2 và RRIV4 được trung tâm mua từ Viện Nghiên cứu cao su ở Bình Dương và Đồng Nai và đã được kiểm nghiệm chất lượng.

Ông Đính thừa nhận hai loại giống cao su này mẫn cảm với dịch bệnh, nhưng vẫn khẳng định nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh bùng phát trên những diện tích cao su do trung tâm cung ứng giống là thời tiết bất thường và việc đầu tư chăm sóc của người dân không đảm bảo(!?).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem